Ủy ban và IMF thúc đẩy hợp tác

Trần Thiệncmsc.gov.vn
08:27' SA - Thứ hai, 17/12/2018

Sáng 13/12, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã có buổi làm việc với đoàn công tác Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nam Hải

Tham gia buổi làm việc, về phía Ủy ban có Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo một số Vụ chức năng, Văn phòng…

Về phía IMF có sự tham gia của nhiều chuyên gia cấp cao do ông Alex Mourmouras - Trưởng phái đoàn IMF dẫn đầu.

Ông Alex Mourmouras - Trưởng phái đoàn IMF

Đại diện đoàn công tác của IMF, ông Alex Mourmouras gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Ủy ban đã dành thời gian tiếp và làm việc với đoàn; đồng thời chúc mừng Ủy ban đã hoàn thành việc tiếp nhận 19 doanh nghiệp.

Chia sẻ thông tin đến Ủy ban, đại diện đoàn cho biết, một năm IMF có 2 lần làm việc tại Việt Nam, để cập nhật tình hình kinh tế, tài chính, tài khóa, ngân sách… Từ đó, IMF sẽ soạn thảo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam và IMF hy vọng, những thông tin của báo cáo sẽ được chuyển đến Ủy ban thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2018, ông Alex Mourmouras cho rằng, hiện nay bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam trong năm qua vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ về tăng trưởng kinh tế, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô…

Cũng theo ông Alex Mourmouras, trong lần công tác này, IMF đã làm việc với nhiều cơ quan của Việt Nam để tìm hiểu nhiều vấn đề khác nhau của nền kinh tế. Đối với buổi làm việc hôm nay, IMF mong muốn được tìm hiểu cơ chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Ủy ban quản lý. Đồng thời, IMF sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, thông lệ quốc tế tốt trong vấn đề quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro… cho Ủy ban.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh phát biểu

Trao đổi lại thông tin với phái đoàn IMF, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh khẳng định, mục đích thành lập Ủy ban trước hết nhằm tách quản lý doanh nghiệp nhà nước của các bộ, ngành với chức năng quản trị, quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò, sự đóng góp của kinh tế nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch cho biết, trước mắt, Ủy ban sẽ tập trung vào hoạt động đánh giá lại tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính của 19 doanh nghiệp do Ủy ban quản lý; nhận diện những thuận lợi, khó khăn của các doanh nghiệp… Từ đó, xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn cho doanh nghiệp, cũng như xây dựng chiến lược phát triển chung cho Ủy ban trong thời gian tới.

Mục tiêu của Ủy ban là trong 5 năm, 10 năm tới, có thể số lượng doanh nghiệp sẽ giảm từ 19 xuống còn khoảng 10 doanh nghiệp, nhưng nếu doanh nghiệp phát triển tốt thì quy mô vốn có thể tăng gấp từ 1,5 - 2 lần so với hiện nay. Đặc biệt, Ủy ban sẽ hướng đến xây dựng được những doanh nghiệp có đủ khả năng hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới” - Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban đã giải đáp một số băn khoăn của các chuyên gia IMF liên quan đến nhận định cho rằng, tốc độ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam thời gian qua còn khá chậm. Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, với một nền kinh tế mở như Việt Nam, trong những năm qua thực tế khi chưa có yêu cầu của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, thì bản thân các doanh nghiệp đã chủ động đổi mới cả về nhân sự, chiến lược quản lý, kinh doanh, bộ máy lãnh đạo… nhờ đó các doanh nghiệp đã đạt được những kết quả rất tốt trong sản xuất, kinh doanh. “Nhiều thông tin nhận xét, tốc độ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam còn chậm, nhưng theo tôi, đánh giá cổ phần hóa không nên nhìn vào số lượng vốn đã thoái được, mà quan trọng hơn là chất lượng cổ phần hóa, doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa có hoạt động tốt hơn không... Nếu ở góc độ tài chính, tôi tin các chuyên gia của IMF cũng cùng quan điểm như vậy”- Chủ tịch nói và thông tin thêm đến các chuyên gia IMF, hiện tại Ủy ban đã xây dựng phần mềm Bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp để kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp được giao quản lý. Hiện tại, bộ chỉ số này đang được các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá rất cao và kỳ vọng trong thời gian tới, sau một thời gian triển khai, thông qua bộ chỉ số này sẽ minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp.

Cán bộ Ủy ban giới thiệu Bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp đến các chuyên gia IMF

Để giới thiệu rõ hơn về bộ chỉ số này, ngay tại buổi làm việc, các cán bộ chuyên môn của Ủy ban cũng trình bày, giới thiệu về bộ chỉ số đến các chuyên gia IMF. Đồng thời, giải đáp những thắc mắc của chuyên gia IMF liên quan đến bộ chỉ số.

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, các chuyên gia IMF đã chia sẻ với Ủy ban một số kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro… để Ủy ban tham khảo, áp dụng trong quá trình quản lý các doanh nghiệp trực thuộc trong thời gian tới.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh và lãnh đạo một số Vụ chức năng của Ủy ban chụp ảnh lưu niệm với phái đoàn IMF

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cảm ơn và đánh giá cao tinh thần hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia phái đoàn IMF. IMF là tổ chức quốc tế đầu tiên đặt vấn đề làm việc ngay sau khi Ủy ban đi vào hoạt động. Chủ tịch hy vọng, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, trao đổi kinh nghiệm của IMF trong những lần làm việc tiếp theo của phái đoàn tại Việt Nam.

cmsc.gov.vn
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Đơn vị thiết lập website: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn