Nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN theo đúng tinh thần Nghị quyết 12

Nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN theo đúng tinh thần Nghị quyết 12

PV

02:02 CH @ Chủ Nhật - 05 tháng 5, 2019

Sáng 21/11, tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh đã báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 09/NQ-CP, Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2018-2020 và đưa ra những kiến nghị, đề xuất.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh báo cáo tại Hội nghị. Ảnh Quang Hiếu

Tình hình triển khai Nghị quyết 09/NQ-CP

Nghị quyết số 12-NQ/TW năm 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 12 đã tiếp tục khẳng định: Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả để doanh nghiệp nhà nước giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Bám sát mục tiêu này, ngay sau khi được thành lập theo Nghị quyết 09 ngày 3/2/2018 của Chính phủ, Ủy ban đã nỗ lực nhằm nhanh chóng tiếp nhận các doanh nghiệp được bàn giao, đồng thời tích cực nghiên cứu, đổi mới công tác quản lý, tăng cường giám sát và hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp. Kết quả đạt được đến nay, cả về số lượng và thời hạn đều đạt đúng theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như sau:

Một là, Ủy ban đã chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 131 ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban; trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 9/11/2018 ban hành quy chế về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp về Ủy ban.

Trên cơ sở đó, đến ngày 15/11/2018, Ủy ban đã hoàn tất tiếp nhận theo quy định đầy đủ 19 tập đoàn, tổng công ty từ các Bộ. Ủy ban với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu của Nhà nước, đang và sẽ thực hiện tập trung, thống nhất và đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình một cách chuyên nghiệp.

Hai là, Ủy ban đã chủ động chuẩn bị và phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ để thực hiện và hoàn thành các công việc của cơ quan chủ sở hữu, xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp một cách liên tục, kể cả trong quá trình bàn giao, tiếp nhận. Qua đó đảm bảo quá trình hoạt động của các doanh nghiệp vẫn diễn ra ổn định, liên tục, không bị gián đoạn.

Cơ bản hiện nay, Ủy ban đã nắm được tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, có triển vọng rõ ràng hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2018 đã đặt ra. Trong đó, một số doanh nghiệp dự kiến đạt được kết quả vượt mức kế hoạch, như Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn, dự kiến doanh thu vượt mức trên 25%, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, dự kiến doanh thu vượt mức 10-20% và lợi nhuận vượt mức 35-45%, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam vượt mức lợi nhuận 37%, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông vượt mức lợi nhuận 25%, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam vượt mức lợi nhuận 75%.

Ba là, Ủy ban đã hoàn thành Đề án về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc Ủy ban; thành lập Hội đồng tuyển dụng để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình, thủ tục tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ theo đúng biên chế được giao và dự kiến nguồn cán bộ cho Ủy ban theo Đề án thành lập đã báo cáo Bộ Chính trị và theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và theo quy định hiện hành. Dự kiến, Ủy ban sẽ tuyển dụng đủ 150 biên chế có chất lượng trong năm 2018 và 2019 để đáp ứng khối lượng công việc đề ra.

Bốn là, Ủy ban đã cơ bản hoàn thành hệ thống các quy chế nghiệp vụ và quản trị nội bộ (khoảng hơn 40 quy chế) để đảm bảo hoạt động theo quy định, minh bạch, rõ ràng.

Năm là, Ủy ban đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch hoạt động, xây dựng hệ thống thông tin hiện đại cho quản trị doanh nghiệp. Kết quả được thể hiện là Bộ chỉ số và phần mềm tổng hợp, phân tích, phục vụ giám sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp thường xuyên, được mô tả trực quan theo các đồ thị, biểu đồ, dấu hiệu cảnh báo theo màu sắc. Hiện nay, Ủy ban đang thử nghiệm kết nối trực tiếp thông tin với các doanh nghiệp, hướng đến hệ thống vận hành tự động, xuyên suốt thông tin từ doanh nghiệp lên Ủy ban và có chia sẻ kết quả phân tích với các đồng chí lãnh đạo từng doanh nghiệp. Từ nền tảng công nghệ đó, Ủy ban sẽ áp dụng các tiêu chí quản trị hiện đại vào các chỉ tiêu phân tích, đồng thời các doanh nghiệp sẽ áp dựng vào thực tế quản trị của mình, nhằm tăng cường tính minh bạch, kịp thời, hiện đại theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Sáu là, Ủy ban đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp, quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan để cùng triển khai công việc theo quy định ngay từ những bước, khâu, thủ tục ban đầu, tạo sự thống nhất và phối hợp đồng bộ. Gần đây nhất là Quy chế phối hợp giữa Ủy ban và Đảng uỷ Khối doanh nghiệp trung ương. Đồng thời Ủy ban cũng chủ động và bước đầu đẩy mạnh hợp tác quốc tế hướng theo các chuẩn mực hiện đại, chuyên nghiệp, làm cơ sở phát triển cho giai đoạn tới.

Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2018-2020

Xác định công việc cần triển khai ngay sau khi đi vào hoạt động chính thức là hết sức lớn và nặng nề, do vậy Ủy ban đã chủ động đề ra Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2018-2020 để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung chủ yếu như:

1. Chỉ đạo triển khai kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2018, chuẩn bị cho năm 2019 trên cơ cở thúc đẩy ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ; nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững.

2. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật và xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của từng tập đoàn, tổng công ty, phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường.

3. Thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh, điều hành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Những kiến nghị, đề xuất

Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo được vai trò trong bối cảnh chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng hiện nay là vấn đề rất lớn, phức tạp, đòi hỏi sự linh hoạt, quyết đoán và trách nhiệm. Ủy ban đã quán triệt nghiêm túc những định hướng, chỉ đạo, nội dung cơ bản trong Nghị quyết 12 của Trung ương, các nghị định, văn bản của Chính phủ, những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó và để góp phần đạt được mục tiêu, Ủy ban đề nghị xem xét một số vấn đề sau:

Thứ nhất, bên cạnh việc tăng cường quản lý, giám sát của hệ thống cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp, cần thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đầu tư mở rộng và nâng cao quy mô, hiệu quả; nhưng phải có lựa chọn, chứ không phải là ồ ạt, cần sớm khẳng định và thực hiện, làm tiền đề cho việc đảm bảo doanh nghiệp nhà nước giữ vững được vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.

Thứ hai, cần tiếp cận vấn đề hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp theo mục tiêu cuối cùng là hiệu quả chung sau một kỳ tài chính nhất định, thông lệ là 1 năm. Cũng cần thiết xem xét hiệu quả của từng hợp đồng, từng dự án, tuy nhiên phải lấy kết quả chung cuối cùng mới là cơ sở để đánh giá, đo lường.

Thứ ba, các doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường và phải tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động. Theo đó quản lý của Nhà nước, của cơ quan chủ sở hữu và các Bộ ngành, cũng như chỉ đạo, điều hành của Hội đồng thành viên cũng phải theo cơ chế thị trường, chấp nhận sự biến đổi, lên xuống thất thường của thị trường, chấp nhận sự điều chỉnh và thích ứng linh hoạt trong hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không thích ứng và điều chỉnh được với sự biến đổi của thị trường, thì phải tái cơ cấu, sắp xếp lại; phải thay đổi người quản lý đúng lúc và phù hợp khả năng.

Thứ tư, lấy thước đo bảo toàn và phát triển vốn làm nguyên tắc và kim chỉ nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đánh giá, quản lý.

Theo đó, điều hành của các cơ quan nhà nước, của cơ quan chủ sở hữu cần tôn trọng trách nhiệm này của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phấn đấu và chủ động sản xuất kinh doanh để phát triển được vốn nhà nước đã đầu tư, sao cho ngày càng tăng hơn, đồng thời cần nghiên cứu, đánh giá để chỉ ra rõ hiệu quả khi thực hiện những nhiệm vụ mà Nhà nước giao, đảm bảo tính công bằng, khách quan với các thành phần kinh tế, nhất là trong điều kiện đã tách bạch cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Thứ năm, để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 12 của Trung ương, cần có nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ, trong đó theo tôi, vấn đề nâng cao năng lực quản trị có ý nghĩa hết sức cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Nâng cao năng lực quản trị không chỉ trong nội tại của doanh nghiệp, mà còn là năng lực quản trị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, Ủy ban đã nhận được những chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp và rất hiệu quả của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự hỗ trợ và phối hợp của các Bộ, ngành.

Để hoàn thành được các nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động trong thời gian tới, Ủy ban mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ; sự phối hợp có hiệu quả của các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương; sự hợp tác, kết nối của các đối tác trong, ngoài nước, các cơ quan thông tấn, báo chí và các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban.

Ủy ban sẽ triển khai nghiêm túc, đúng và kịp thời các chỉ đạo, các chiến lược, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng sẽ tham gia tích cực nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện chính sách cơ chế hiện tại, tham gia triển khai thực hiện Nghị quyết 12 và các chỉ đạo khác của Đảng, Nhà nước.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội