Thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực

Thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực

Nguyễn Hải (thực hiện)

10:13 SA @ Thứ Năm - 04 tháng 2, 2016

Năm 2015, công tác điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã đạt được kết quả tích cực, nhận được sự đồng thuận của dư luận và được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Công Thương, ngành Tài chính. Nhân dịp này, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, người phát ngôn của Bộ Công Thương xung quanh vấn đề này.

Ngày 3/9/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2014. Sau hơn 1 năm Nghị định có hiệu lực, theo đánh giá của dư luận chung, thị trường xăng dầu đã có chuyển biến tích cực. Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu được ban hành ngày 3/9/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2014. Trong quá trình thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (2 tháng cuối năm 2014 và cả năm 2015) thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; kinh doanh xăng dầu cơ bản đã vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngày càng phát huy quyền tự chủ trong kinh doanh và tuân thủ các quy định của pháp luật, giá xăng dầu trong nước được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, kịp thời, đảm bảo hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới, có tính đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và đời sống người dân…

Với chu kỳ điều hành giá xăng dầu 15 ngày một lần theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, giá xăng dầu trong nước đã được điều hành sát cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Năm 2015 đã có 23 đợt điều hành giá xăng dầu, biên độ điều chỉnh giá không quá cao, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, số lần giảm giá, mức giảm giá nhiều hơn số lần tăng giá, mức tăng giá đã hỗ trợ giảm chi phí đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời góp phần cải thiện đời sống của người tiêu dùng. Trong 23 đợt điều hành giá xăng dầu trong năm 2015, bên cạnh các lần giữ ổn định giá bằng các công cụ tài chính thì mặt hàng xăng có 12 lần giảm giá, 6 lần tăng giá; dầu diesel có 13 lần giảm giá, với tổng mức giảm là 7.017 đồng/lít, 4 lần tăng giá với tổng mức tăng là 1.998 đồng/lít... Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm (năm 2015 giảm 24,77%), điều đó đã tác động kéo theo chỉ số giá của một số nhóm hàng giảm, như “Nhà ở và vật liệu xây dựng” và “Giao thông” năm 2015 lần lượt giảm so với năm trước là 1,62% và 11,92%… đã góp phần giảm CPI chung của cả nước.

Trong những thời điểm nhạy cảm như dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, nhu cầu tiêu dùng tăng, giá xăng dầu thế giới diễn biến tăng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thị trường…, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu giữ ổn định giá bán các chủng loại xăng dầu trong và sau Tết Nguyên đán, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) để bù đắp toàn bộ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá hiện hành. Giá xăng dầu được giữ ổn định trong giai đoạn này đã góp phần kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng CPI không tăng và góp phần vào thực tế là lần đầu tiên trong các năm qua, giá cả các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 không tăng giá, tạo điều kiện cho người dân sắm Tết. Từ sau Tết Nguyên đán Ất Mùi đến tháng 5 năm 2015, giá thành phẩm xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, thậm chí có thời điểm tăng đột biến. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các quy định khác về điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước một phần, phần còn lại chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bù đắp chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán. Biện pháp điều hành này nhằm hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, đồng thời bảo đảm giá xăng dầu trong nước tiệm cận giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Từ cuối tháng 5 năm 2015, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Nội dung điều hành kinh doanh xăng dầu năm 2015 đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đăng công khai, minh bạch trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để người dân, doanh nghiệp và mọi người quan tâm có thể tìm hiểu, theo dõi và giám sát.

Tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu trong nước năm 2015 cũng đã được cải thiện. Cùng với việc giảm bớt 1, tăng thêm 5 thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, nâng tổng số thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu hiện nay lên con số 23 thì năm 2015 là năm đầu tiêu đánh dấu việc hình thành các thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; cho đến nay đã có 69 thương nhân phân phối xăng dầu tham gia thị trường xăng dầu trong nước, cạnh tranh lẫn nhau và cạnh tranh trực tiếp với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu về giá bán lẻ xăng dầu, qua đó giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng được lựa chọn mua xăng dầu với mức giá phù hợp.

Biến động giảm giá xăng dầu trên thị trường thế giới và thị trường trong nước là một nhân tố tăng nhu cầu sử dụng xăng dầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân. Ước tính xăng dầu tiêu thụ trong nước năm 2015 đạt khoảng 17-17,5 triệu m3/tấn các loại, tăng khoảng 12-15% so với năm 2014. Tuy nhiên, nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước đã được bảo đảm đầy đủ, kịp thời, không xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu trong bất kỳ thời điểm nào.

Như vậy, qua hơn 1 năm thực hiện, có thể đánh giá các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu là phù hợp và công tác điều hành kinh doanh xăng dầu đạt được nhiều bước tiến thể hiện qua việc quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu và từng loại hình thương nhân kinh doanh xăng dầu, việc tính toán, điều hành giá xăng dầu trong nước của Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã bám sát và phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới, bảo đảm nguyên tắc vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, có tính đến việc hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, qua đó bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, kiểm soát được tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu tới nhóm hàng hóa, dịch vụ trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng CPI…

Thưa Thứ trưởng, trong quá trình thực hiện vừa qua, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã bộc lộ nhược điểm, vướng mắc gì? Đâu là nguyên nhân và những giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Như chúng ta đã biết, thời gian thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu mới được 1 năm và 2 tháng. Do vậy, cần thêm thời gian vận hành để có thực tiễn đúc kết, qua đó phát hiện chính xác, chỉnh sửa những nhược điểm, vướng mắc (nếu có) cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong quý I/2016, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, cơ quan liên quan, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam… Sau hội nghị sẽ có tổng hợp, đánh giá, đề xuất (nếu có) báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền. Mọi đề xuất, thay đổi (nếu có) phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam (phù hợp với năng lực thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, thu nhập và nhận thức của người tiêu dùng…).

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về việc phối hợp trong công tác điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính trong thời gian qua?

Cần khẳng định công tác phối hợp điều hành giá xăng dầu giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính từ trước đến nay (kể cả thời gian trước ngày 1/11/2014, khi Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và sau thời điểm ngày 1/11/2014, khi Bộ Công Thương được Chính phủ giao làm đầu mối chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu) đã được thực hiện chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác phối hợp điều hành giá xăng dầu giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trong năm 2015 được phản ánh rõ tại những kết quả đạt được như đánh giá ở trên. Kết quả này cũng được lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương có liên quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng cả nước ghi nhận, đánh giá tích cực.

Với những điểm sáng tích cực, những thành quả đạt được trong công tác điều hành kinh doanh xăng dầu năm 2015, bước sang năm 2016, Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị… liên quan để đảm bảo điều hành kinh doanh xăng dầu hiệu quả, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp đã có truyền thống lâu đời, giữ vai trò chủ đạo trên thị trường xăng dầu. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về việc thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP; Chỉ thị số 11/CT-BCT (tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu) của Petrolimex. Vai trò, trách nhiệm của Petrolimex trong việc đảm bảo nguồn cung, giữ vững an ninh năng lượng?

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, có hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước, hiện nay, chiếm khoảng 46-50% thị phần xăng dầu tiêu thụ nội địa cả nước. Nguồn cung xăng dầu phục vụ tiêu thụ trong nước luôn được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chú trọng, đảm bảo, kể cả trong những tình huống khó khăn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước… Đặc biệt, Tập đoàn còn phải thực hiện những nhiệm vụ cung ứng, đảm bảo xăng dầu cho những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo… Vai trò chủ đạo, trách nhiệm của một Tập đoàn kinh tế Nhà nước đã được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thể hiện rõ hơn thông qua sự hiện diện và gần như là doanh nghiệp đầu mối duy nhất hiện nay cung ứng xăng dầu, phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu người dân, doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn này.

Đối với việc tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã thực hiện nhiều nội dung, trong đó có việc đăng lên trang thông tin điện tử của Tập đoàn các thông tin về giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, báo cáo tài chính, đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 22 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu.

Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội