Không còn độc quyền xăng dầu ở Tây Nam Bộ

Không còn độc quyền xăng dầu ở Tây Nam Bộ

Thu Hường

08:03 SA @ Thứ Hai - 21 tháng 11, 2016

Tại khu vực miền Tây Nam Bộ như An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang..., số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu ngày càng tăng. Trước đây, nếu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có thị phần xăng dầu lớn nhất tại các tỉnh Tây Nam Bộ thì hiện nay, cùng với sự cạnh tranh ngày càng lớn nên Petrolimex chỉ còn chiếm từ 28 - 35%.

Lo ngại cạnh tranh không lành mạnh

An Giang là tỉnh trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long cả về quy mô dân số lẫn quy mô kinh tế. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng xăng dầu rất lớn, trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 340 triệu lít xăng dầu các loại. Nếu như trước đây, Petrolimex An Giang là doanh nghiệp (DN) đầu mối cung cấp xăng dầu chính thì hiện nay An Giang có tới 7 DN đầu mối, 12 DN là thương nhân phân phối xăng dầu (7 DN trong tỉnh, 5 DN ngoài tỉnh). Hiện nay, thị phần của Petrolimex tại An Giang chỉ chiếm khoảng 28%.

Tương tự, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 10 DN đầu mối cung ứng xăng dầu. Petrolimex Tiền Giang là DN đã gắn với quá trình phát triển của tỉnh Tiền Giang suốt 40 năm qua nhưng do phải cạnh tranh với các đầu mối khác nên thị phần xăng dầu có lúc chỉ còn chiếm hơn 35% và đang phấn đấu giữ mức 40%.


Người dân xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang mua xăng dầu chủ yếu để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Việc có nhiều DN tham gia kinh doanh xăng dầu có điểm tích cực là giúp phá vỡ thế độc quyền, tạo môi trường cạnh tranh ngày càng bình đẳng hơn cho các DN tham gia kinh doanh xăng dầu. Hiện nay, giữa các DN có sự cạnh tranh mạnh mẽ về nguồn hàng, giá bán, chính sách chăm sóc khách hàng...

Tuy nhiên, thị trường xăng dầu Tây Nam Bộ đang phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh diễn biến phức tạp. Theo ông Hồng Phong, Chủ tịch kiêm Giám đốc Petrolimex An Giang, một số đầu mối kinh doanh xăng dầu chi trả thù lao rất cao đến mức bất hợp lý cho đại lý (vượt cả trần chi phí định mức do liên Bộ Tài chính - Công Thương quy định) để cạnh tranh giành giật khách hàng, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Thậm chí, đã xuất hiện dấu hiệu gian lận thương mại qua hóa đơn chứng từ. Theo đó, xăng dầu vận chuyển trên đường thì có hóa đơn, nhưng khi đến cửa hàng, hóa đơn được quay vòng trở lại, hợp thức hóa cho lô hàng khác nhằm trốn thuế. Hiện tượng nguồn hàng của đầu mối này thông qua thương nhân phân phối/tổng đại lý đưa vào hệ thống của đầu mối khác xảy ra thường xuyên, điều này vừa làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, vừa làm xáo trộn hệ thống kênh phân phối và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu xăng dầu diễn biến phức tạp cũng khiến cho Nhà nước thất thu thuế xăng dầu đáng kể. Công ty TNHH Xăng dầu Kiên Giang cho biết, trên địa bàn Kiên Giang có khoảng 12.250 tàu thuyền khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đều tăng qua các năm dẫn đến nhu cầu về xăng dầu cũng tăng theo. Nhưng các DN kinh doanh xăng dầu rất khó để gia tăng lượng bán hàng và thị phần đối với lĩnh vực ngành nghề kinh doanh này. “Do tình hình buôn lậu xăng dầu còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là buôn lậu dầu trên biển nên các đơn vị cùng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đều gặp khó khăn để tăng sản lượng bán cho khách hàng đánh bắt thủy sản. Các tàu khai thác thủy sản thường mua dầu lậu trên biển với giá rẻ hơn vài nghìn đồng mỗi lít so với giá bán của các DN trên địa bàn”, ông Nguyễn Phong Thiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Kiên Giang cho hay.

Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng cho biết, sản lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế trên địa bàn tỉnh khoảng 340 - 350 triệu lít/năm nhưng lượng xăng dầu được DN kê khai nộp thuế chỉ khoảng 280 triệu lít/năm. Một số DN nhờ vào nguồn xăng dầu trốn thuế này để trả thù lao cho các đại lý cao hơn hẳn các DN khác, gây tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp làm ăn chân chính sụt giảm sản lượng bán hàng, Nhà nước thất thu thuế còn lợi nhuận “khổng lồ” không ngừng “chảy” vào túi những đối tượng làm ăn phi pháp. “Cần có giải pháp chống thất thu thuế đối với nguồn hàng trôi nổi tiêu thụ trên thị trường hiện chưa quản lý được để đảm bảo chống thất thu thuế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”, ông Nưng nhấn mạnh.

Vươn lên bằng uy tín thương hiệu

Để vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các DN kinh doanh xăng dầu, trong đó có các đơn vị trực thuộc Petrolimex đã chú trọng các giải pháp nâng cao uy tín thương hiệu. Ông Phan Thanh Tâm, Chủ tịch kiêm Giám đốc Petrolimex Tiền Giang cho biết: Petrolimex Tiền Giang đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm, dịch vụ lên hàng đầu. Với quan điểm đó, công ty không ngừng đầu tư hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cửa hàng để tăng thị phần, nâng cao khả năng cạnh tranh. Nhằm bảo đảm chất lượng xăng dầu cung cấp cho đối tác, khách hàng, Petrolimex Tiền Giang đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm soát chất lượng, số lượng hàng hóa trước khi cung ứng cho hệ thống phân phối tiêu thụ ra thị trường. Mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu của công ty đều được trang bị hệ thống cột bơm hiện đại bảo đảm đúng số lượng, chất lượng và giảm thiểu hao hụt khi cung cấp trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Petrolimex An Giang hiện có 43 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và 47 cửa hàng xăng dầu ký hợp đồng nhượng quyền thương mại. Thương hiệu Petrolimex đã có mặt khắp các địa bàn từ thành thị cho đến nông thôn, địa bàn vùng sâu vùng xa của tỉnh An Giang. Công ty đã thực hiện trang bị hệ thống nhận diện thương hiệu đầy đủ cho 100% cửa hàng xăng dầu trực thuộc với giá trị đầu tư gần 2,6 tỷ đồng. Riêng năm 2015 triển khai hệ thống nhận diện thương hiệu đồng bộ cho 23 cửa hàng xăng dầu trực thuộc, 1 kho xăng dầu và lắp đặt 5 cột biển báo mặt hàng kinh doanh cao cấp theo tiêu chuẩn với tổng giá trị hơn 1,8 tỷ đồng. Dự kiến, hết năm 2016, công ty triển khai hệ thống nhận diện thương hiệu cho tất cả các cửa hàng còn lại, nhằm tạo lập sự khác biệt rõ nét của thương hiệu Petrolimex. “Sau khi các cửa hàng xăng dầu được trang bị đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu, áp dụng đúng quy chuẩn mới, người tiêu dùng đánh giá rất cao và ngày càng tin tưởng, sử dụng sản phẩm của Petrolimex. Năng suất lao động của khối cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngày càng tăng trưởng cao”, ông Hồng Phong phấn khởi cho biết.

Công ty Xăng dầu Kiên Giang cũng chủ trương kết hợp quảng bá thương hiệu với nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiện nay, Petrolimex Kiên Giang đang triển khai hệ thống nhận diện thương hiệu đồng bộ tới tất cả hệ thống kinh doanh. Tạo lập sự khác biệt về hệ thống nhận diện thương hiệu và xây dựng mô hình cửa hàng văn minh là cách làm hiệu quả để nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Đến nay, mặc dù thị phần xăng dầu giảm xuống do áp lực cạnh tranh nhưng các đơn vị thành viên của Petrolimex tại địa bàn miền Tây Nam Bộ vẫn luôn được đánh giá có vai trò nòng cốt quan trọng trong bảo đảm ổn định thị trường xăng dầu. Các đơn vị thuộc Petrolimex luôn chủ động cân đối dự trữ và bảo đảm nguồn hàng liên tục, kịp thời cho hệ thống phân phối. Đặc biệt, kể cả trong các thời điểm nguồn cung hàng khan hiếm, giá cả tăng cao như thời điểm năm 2011, khi mà càng bán thì càng lỗ nhưng các cửa hàng xăng dầu Petrolimex vẫn không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, góp phần bình ổn thị trường.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội