Không có mâu thuẫn về 'lỗ-lãi' trong kinh doanh xăng dầu

Không có mâu thuẫn về 'lỗ-lãi' trong kinh doanh xăng dầu

Quang Toàn

01:23 CH @ Thứ Năm - 29 tháng 8, 2013

Ngay sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, dư luận đã “dậy sóng” về câu chuyện “lỗ-lãi” của Petrolimex. Trong đó, có ý kiến cho rằng, Tập đoàn này chưa minh bạch trong hoạt động kinh doanh của mình.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên (PV) Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex.

Nhân viên cây xăng đổ xăng cho khách hàng trên đường Phan Đình Phùng phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

PV: Dư luận đang có những thắc mắc về kết quả kinh doanh của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm 2013 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 898 tỷ đồng, trong khi trước đó, Tập đoàn luôn luôn kêu lỗ để đề nghị tăng giá xăng, dầu. Như vậy có gì mâu thuẫn trong câu chuyện lỗ, lãi của tập đoàn hay không, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Năm: Trước hết phải khẳng định rằng việc kinh doanh mặt hàng xăng, dầu của Tập đoàn được thực hiện trên cơ sở những quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; cùng với việc theo dõi diễn biến giá cơ sở so với giá bán lẻ xăng dầu trong nước của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo định kỳ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu của mình để liên Bộ biết thực trạng hoạt động của doanh nghiệp trong từng chu kỳ tính giá.

Mặc khác, chúng ta cần hiểu “báo cáo“ và “kêu” là 2 khái niệm hoàn toàn khác biệt. Bởi khi giá cơ sở tính theo công thức của Thông tư 234 lớn hơn giá bán lẻ hiện hành thì Petrolimex báo lỗ và ngược lại. Thực tế trong thời gian vừa qua, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội…, việc điều hành giá bán xăng dầu trong nước do Liên Bộ Tài chính – Công Thương thực hiện.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần hiểu việc lỗ/lãi theo chu kỳ tính giá của Nghị định 84 hoàn toàn khác với lỗ/lãi theo kỳ quyết toán và năm tài chính. Đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu 6 tháng đầu năm 2013 tại Việt Nam của Petrolimex chỉ đạt bình quân 94 đồng/lít, kg. Như vậy đã chứng minh có chu kỳ doanh nghiệp đầu mối có thể đạt được lợi nhuận định mức tối đa theo quy định tại Thông tư 234 (300 đồng/lít,kg), có chu kỳ không đạt, thậm chí có chu kỳ kinh doanh lỗ và có chu kỳ kinh doanh lỗ không có nghĩa toàn bộ giai đoạn kinh doanh của doanh nghiệp phải lỗ. Vì vậy tôi khẳng định, không có gì mâu thuẫn trong câu chuyện lỗ, lãi của Petrolimex đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, câu chuyện lỗ/lãi của Petrolimex trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại thị trường nội địa hoàn toàn khác với việc lỗ/lãi của Petrolimex trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các thị trường (những lĩnh vực không chịu sự chi phối của Nghị định 84). Vì vậy, tôi cho rằng mọi người nên đánh giá sự việc một cách “công tâm và khách quan”.

PV: Nhiều chuyên gia nhận định, khi công bố lãi, cổ phiếu của Petrolimex sẽ có lợi trên sàn chứng khoán. Nhưng điều cần bàn là khi muốn tăng giá, Petrolimex thường báo lỗ. Mức lỗ này đúng hay sai rất khó nhận biết trong khi cơ quan quản lý chỉ dựa vào báo cáo của Petrolimex để phê duyệt nên càng khiến dư luận thấy kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn chưa minh bạch. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Trần Ngọc Năm: Petrolimex không đồng ý với việc nhận xét thiếu cơ sở của một số chuyên gia. Bởi như phân tích ở phần trên, việc xác định giá cơ sở để điều hành giá bán xăng dầu trong nước được tính toán theo công thức quy định tại Thông tư 234. Văn bản này đã được công bố công khai theo quy định về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, hàng ngày, Liên Bộ Tài chính – Công Thương, căn cứ giá xăng dầu thế giới trong chu kỳ tính giá, các khoản thuế hiện hành và các yếu tố khác trong công thức tính giá để tính toán giá cơ sở. Căn cứ mục tiêu vĩ mô, Liên Bộ mới quyết định việc điều hành giá bán trong nước một cách độc lập, không phụ thuộc vào thông tin báo cáo của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.

PV: Theo kế hoạch đề ra năm 2013, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn phải đạt được 1.980 tỷ đồng, chia cổ tức là 800 đồng. Với kết quả trên, thì 6 tháng đầu năm 2013, về chỉ tiêu lợi nhuận của Tập đoàn mới đạt 45% kế hoạch. Vậy để hoàn thành chỉ tiêu đề ra cho cả năm, Tập đoàn sẽ thực hiện những giải pháp gì trong những tháng cuối năm, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Năm: Có thể nói là tình hình kinh doanh của Tập đoàn từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn, với việc 6 tháng đầu năm mới đạt 45% kế hoạch của cả năm thì để đạt được chỉ tiêu đề ra của cả năm, Tập đoàn Petrolimex cần nỗ lực rất nhiều. Giải pháp của Petrolimex đưa ra là: Điều hành kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam theo đúng mục tiêu, nghị định của Chính phủ. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh các lĩnh vực kinh doanh không chịu sự chi phối của Nghị định 84 (như Dầu nhờn Petrolimex, bảo hiểm Petrolimex, Sơn Petrolimex, Gas Petrolimex…) ngay tại Việt Nam và ra nước ngoài như Lào, Campuchia, Sri Lanka, Bangladesh… Đồng thời tiếp tục thực hiện tiết giảm chi phí, giá thành sản phẩm theo chỉ đạo của Chính phủ để góp phần gia tăng lợi nhuận thực hiện trên tất cả các khâu, các lĩnh vực công tác.

Đối với Ban lãnh đạo, điều hành Petrolimex sẽ bám sát những quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Petrolimex đã đề ra để nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội