Xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu

Xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu

Tiến sĩ Võ Văn Quyền

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương

08:19 SA @ Thứ Năm - 15 tháng 8, 2013

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 5401/VPCP-KTTH ngày 03/7/2013 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đang chủ trì “phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu” để trình Chính phủ trong tháng 9/2013.

Đặt vấn đề

Điều này nói lên rằng phương án xây dựng nghị định mới sẽ tốt hơn so với phương án ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84/2009/ND-CP ngày 15/10/2009 (sau đây gọi tắt là “Nghị định 84”). Về hình thức, cách làm này sẽ gọn gàng hơn, dễ tra cứu sử dụng hơn so với việc phải nêu: Nghị định 84 quy định như thế này, nghị định mới sửa đổi/bổ sung như sau.

Các thành viên ban soạn thảo với tinh thần trách nhiệm cao trước Chính phủ, nhân dân và công luận; trên cơ sở tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 84 thời gian qua; ý kiến góp ý của các bộ ban ngành, các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội... để xây dựng nghị định mới với mục tiêu: Phát huy tác dụng tích cực là cơ bản, bên cạnh đó, hạn chế những tồn tại của Nghị định 84.

Cá nhân tôi đánh giá cao các ý kiến mang tính xây dựng của một số phóng viên báo chí; của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trên các phương tiện truyền thông đại chúng; của lãnh đạo doanh nghiệp phản ảnh thực tế về thuế, về tỷ giá, về vấn đề làm thế nào để minh bạch điều hành xăng dầu,…

Tôi tin rằng các ý kiến đúng đắn sẽ được các thành viên Ban soạn thảo nghị định tiếp thu, đưa vào Nghị định để sắp tới trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Quan điểm

Nghị định 84 là một bước tiến trên con đường đưa xăng dầu đến với “cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”.

Bản chất của nó là: Nhà nước không bù lỗ; xăng dầu bán theo giá thị trường; có đủ xăng dầu cho đất nước (không để thiếu nguồn gây đình trệ/ách tắc các hoạt động); doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị lỗ, bảo toàn phát triển được vốn (của nhà nước, của doanh nghiệp, của cổ đông), để hội nhập thành công; bảo đảm các nghĩa vụ thu ngân sách để thực hiện các mục tiêu quốc gia.

Lý thuyết và thực tiễn cho thấy phần lớn các nước trên thế giới hiện nay đều đang đi theo nguyên tắc như vậy, nghĩa là: “vỗ tay bằng cả 2 bàn tay”: Không thể thị trường 100% và cũng không thể quản lý nhà nước 100%.

Như vậy, Nghị định mới cơ bản sẽ kế thừa các thành tựu, các ưu điểm của Nghị định 84 là điều tất yếu. Vấn đề còn lại là: kế thừa cái gì; cái gì phải làm mới để khắc phục các bất cập, đạt mục tiêu.

Bên cạnh đó, Nghị định mới chắc chắn sẽ phải tiến bộ hơn, khắc phục được các bất cập đã phát sinh để đạt các mục tiêu đề ra.

Phương pháp tiếp cận

Trong Nghị định về kinh doanh xăng dầu, tôi cho rằng: Cụm từ “cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước” là “linh hồn”, Điều 27 (về điều hành giá xăng dầu) là “quả tim” của Nghị định. Đây cũng là hai nội dung quan trọng nhất, được quan tâm nhất, cần tập trung làm rõ nhất.

Các bất cập báo chí nêu trong thời gian qua chủ yếu cũng là do “quả tim” này có lúc đập chưa “nét”, chưa “đồng nhịp” mà thôi.

Như vậy, Nghị định mới phải bắt đầu từ việc tập trung làm rõ 2 khái niệm quan trọng “cơ chế thị trường” và “quản lý nhà nước”.

“cơ chế thị trường” nói một cách nôm na là “thuận mua vừa bán”, “tôi thích mua của ai thì tôi mua của người ấy”; về giá thì “nước nổi - bèo cũng nổi”, mua cao thì bán giá cao, mua thấp thì bán giá thấp...

“quản lý nhà nước” thì phải làm rõ quản lý như thế nào, quản lý cái gì, công cụ quản lý và trách nhiệm đối với doanh nghiệp (bảo đảm bảo toàn vốn và hiệu quả), đối với công chúng (về minh bạch)...

Một số nội dung cụ thể

Trước hết, cần xác định là qua nghị định, chúng ta tạo ra các tiền đề để tiến tới tạo lập một thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh trong một tương lại không xa. Lúc đó, Nhà nước sẽ giảm dần các công cụ mang tính hành chính, tác động trực tiếp; chuyển sang các công cụ kinh tế - kỹ thuật, tác động gián tiếp là chủ yếu.

Khi đã định vị rồi thì cụ thể hóa thành một câu, coi đó là khẩu hiệu (slogan) của nghị định mới xăng dầu, làm kim chỉ nam cho nghị định mới và là vật chuẩn cho các nhận xét, đánh giá sau này (khi đưa nghị định mới vào vận hành).

Về “quản lý nhà nước”, theo tôi, bản thân việc ban hành nghị định về kinh doanh xăng dầu đã là quản lý nhà nước; trong đó, nhà nước quy định điều kiện kinh doanh xăng dầu; nguyên tắc, trình tự, thủ tục, phương pháp hình thành giá bán xăng dầu trong nước và chủ thể quyết định giá; cơ chế kiểm tra, giám sát, trách nhiệm công bố thông tin, v.v…

Bên cạnh đó, các công cụ quản lý khác của quản lý nhà nước cũng cần phải thiết kế rõ ràng, cụ thể hơn để dễ thực hiện, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ xác định trách nhiệm và áp dụng chế tài: điều kiện kinh doanh xăng dầu và duy trì các điều kiện đó trên thực tế; các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá (BOG),… điều kiện, cách thức áp dụng, trách nhiệm công bố thông tin, địa chỉ công bố thông tin.

Cuối cùng, phải xác định cho rõ mối quan hệ giữa Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu với Luật Thương mại và với Luật giá.

Tiếp đó, là câu chuyện về điều hành giá

Giá cơ sở - gồm 3 khoản cấu thành: Giá mua hàng của doanh nghiệp đầu mối, các khoản thu hộ nhà nước và các khoản doanh nghiệp đầu mối phải có (chi phí bình quân xã hội) và được hưởng (lợi nhuận định mức). Bộ Tài chính hoặc một cơ quan độc lập mua thông tin của hãng Roiter (Platt’s) tính toán đúng công thức, công bố hàng ngày để người dân giám sát; doanh nghiệp sử dụng tính toán, đối chiếu và phóng viên báo chí đưa tin.

Trong điều kiện bình thường, tùy thuộc vào giá xăng dầu lên hoặc xuống trong phạm vi 5%; căn cứ vào quy định của Nhà nước, doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh tăng hoặc giảm tương ứng. Liên bộ Tài chính - Công Thương giám sát.

Trong điều kiện giá xăng dầu thế giới tăng trên 5% hoặc giá bán xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội hoặc đời sống nhân dân thì Nhà nước nắm lấy quyền quyết định giá nhưng thông qua các công cụ thuế, phí, Quỹ Bình ổn.. và vẫn theo nguyên tắc thị trường: Nhà nước không bù lỗ, doanh nghiệp đầu mối tham gia bình ổn phải được bù đắp đầy đủ chi phí kinh doanh, chi phí lưu thông (không để phát sinh lỗ tại doanh nghiệp đầu mối).

Chúng ta cố gắng không nên để lặp lại tình huống: Điều hành giá bằng giải pháp hành chính là chủ yếu (không cho tăng giá, trích quỹ BOG quá nhiều ngay cả khi Quỹ âm …),… làm cho doanh nghiệp đầu mối lỗ nhưng không có cách nào bù đắp cho doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này (bởi Nghị định 84 xác định “không bù lỗ” nên cũng không thể dùng ngân sách để bù lỗ). Trong khi đó, công chúng và báo chí thì nghi doanh nghiệp “lỗ giả lãi thật”, đánh giá doanh nghiệp là làm ăn không hiệu quả, không bảo toàn phát triển được vốn, không bảo đảm quyền lợi của cổ đông - nhà đầu tư.

Về quản lý khối đại lý, tổng đai lý bán lẻ xăng dầu

Các đại lý bán lẻ xăng dầu (kể cả tổng đại lý) chiếm số đông trong số các cửa hàng xăng dầu (CHXD) - đang từng ngày lớn mạnh; về cơ bản tôn trọng pháp luật và làm ăn đức độ - cần khuyến khích, tôn vinh. Bên cạnh đó, cần phải nghiêm trị những doanh nghiệp coi thường pháp luật và/hoặc kinh doanh thiếu đạo đức, làm ăn gian dối, “buôn gian bán lận”, pha trộn các chất không được phép vào xăng dầu, “đạo nhãn hiệu”, … xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, gây bất ổn trong hệ thống phân phối xăng dầu.

Nghị định mới hướng tới phù hợp với thực tiễn, giảm yêu cầu về một số điều kiện (về năng lực kho, bể; về số lượng cửa hàng trực thuộc, cửa hàng của các đại lý trong hệ thông phân phối của tổng đại lý); nhưng tăng cường công tác quản lý nhà nước cả ở cấp trung ương lẫn địa phương đối với loại hình tổng đại lý, để nó thực sự là cánh tay nối dài của thương nhân đầu mối trong việc phát triển hệ thống phân phối, đảm bảo khả năng cung ứng xăng dầu cho các nhu cầu của nền kinh tế trong mọi tình huống, mọi lúc, mọi nơi...

Xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu là một khối lượng công việc phức tạp và trách nhiệm. Các thành viên Ban soạn thảo đang nỗ lực hết mình để thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, minh bạch hóa 3 lợi ích “nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng” tạo sự đồng thuận của xã hội.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội