Thực hư lỗ lãi ở Petrolimex

Thực hư lỗ lãi ở Petrolimex

Bùi Ngọc Bảo

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ

01:02 CH @ Thứ Bảy - 23 tháng 7, 2011

Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang bị “nghi” có mâu thuẫn giữa việc kêu lỗ khi kinh doanh xăng dầu và tuyên bố lãi lớn khi chuẩn bị IPO.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PetrolimexBùi Ngọc Bảo

Trong giai đoạn vừa qua, cơ chế kinh doanh xăng dầu chưa vận hành theo thị trường một cách đầy đủ. Bên cạnh đó, Petrolimex cùng các doanh nghiệp xăng dầu khác tham gia bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ. Các lý do này khiến cho việc tính toán lỗ lãi trở nên phức tạp hơn, và dễ gây ra những hiểu lầm trong dư luận xung quanh câu chuyện lỗ lãi của Petrolimex, đặc biệt là sắp tới đây Petrolimex tiến hành IPO. Vấn đề đặt ra là, bên cạnh các quy định cốt lõi về kinh doanh xăng dầu (QĐ 187/TTg; NĐ55/CP; NĐ 84/CP của Chính phủ) kinh doanh xăng dầu còn bị chi phối bởi nhiều văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước tại từng thời kỳ để đáp ứng với mục tiêu bình ổn thị trường.

Đơn cử như với việc kinh doanh năm 2008 của Petrolimex, dư luận đã lên tiếng phản ứng khi cho rằng, Petrolimex kêu lỗ cả chục nghìn tỷ đồng nhưng trong báo cáo tài chính chuẩn bị IPO thì Petrolimex lại công bố con số của năm 2008 lãi 913 tỷ đồng. Phải chăng có sự mâu thuẫn ở đây? Và Petrolimex đã không trung thực khi công bố lỗ?

Thực chất của vấn đề này là năm 2008 giá dầu thô có thời điểm leo lên mức cao nhất trong lịch sử khi đạt 147 USD/thùng (ngày 21/7) và giảm dần vào cuối năm (còn 33 USD/thùng). Trong gần 7 tháng đầu năm, nhà nước thực hiện bình ổn giá xăng dầu, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đều phát sinh lỗ. Riêng Petrolimex, với mặt hàng dầu đã lỗ 10.775 tỷ đồng và đã được cấp bù.

Còn với mặt hàng xăng, năm 2008 được chia làm hai giai đoạn: từ đầu năm đến ngày 21/7 thực hiện bình ổn giá theo chỉ đạo và từ ngày 21/7 trở về sau là thực hiện theo cơ chế thị trường (theo Nghị định 55/2007/NĐ-CP). Do đó, các khoản lỗ phát sinh từ 21/7 trở về trước, doanh nghiệp đã được tạm ứng từ ngân sách nhà nước và có trách nhiệm hoàn trả ngân sách theo quy định. Theo Thông báo số 72/TB-VPCP, ngày 05/3/2009 của Văn phòng Chính phủ, cho phép Petrolimex được hạch toán số tiền ứng lỗ xăng 1.812 tỷ đồng tương tự như cấp bù lỗ dầu (ngân sách tạm ứng 1.812 tỷ đồng, Petrolimex có trách nhiệm trả dần theo quy định).

Với giai đoạn từ sau ngày 21/7, lợi nhuận mặt hàng xăng của Petrolimex là 642 tỷ đồng (bao gồm khoản 409 tỷ Petrolimex phải hoàn trả lại cho ngân sách trong 2 tháng cuối năm). Thực chất, với mặt hàng xăng của giai đoạn này Petrolimex chỉ đạt lợi nhuận 233 tỷ đồng.

Như vậy, trong năm 2008, lợi nhuận của Petrolimex đã đúng như con số đã công bố là 1.018 tỷ đồng sau khi hạch toán khoản tiền ứng lỗ xăng theo Thông báo số 72/TB-VPCP. Trong đó, lãi thu cổ tức và lợi nhuận được chia là 230 tỷ đồng; lợi nhuận của hoạt động sản xuất kinh doanh khác là 146 tỷ đồng và lợi nhuận từ kinh doanh xăng từ 21/7 đến hết năm là 642 tỷ đồng.

Năm 2009, là một năm kinh doanh xăng dầu được vận hành theo cơ chế thị trường, lợi nhuận xăng dầu của Petrolimex là 2.660 tỷ đồng (bao gồm khoản 1.403 tỷ đồng Petrolimex phải hoàn trả cho ngân sách Nhà nước khoản tiền ứng lỗ xăng còn lại). Thực chất, lãi kinh doanh xăng dầu cả năm 2009 của Petrolimex chỉ còn là 1.257 tỷ đồng. Với sản lượng xuất bán trong năm này của Petrolimex là 9,31 triệu tấn (con số làm tròn) thì lợi nhuận bình quân tính trên lít chỉ là 135 đồng, chỉ bằng 45% lợi nhuận định mức mà nhà nước quy định.

Năm 2010, phần lớn thời gian doanh nghiệp hoạt động trong cơ chế bình ổn gi do đó, kết quả kinh doanh xăng dầu của Petrolimex lỗ 172 tỷ đồng. Phần lỗ này, Petrolimex tự bù đắp từ lãi của các hoạt động kinh doanh khác (Thu cổ tức và lợi nhuận khác là 356 tỷ đồng; lợi nhuận hoạt động kinh doanh khác lãi 130 tỷ đồng).

Năm 2011, số lỗ kinh doanh xăng dầu dự kiến 9 tháng đầu năm của Petrolimex trước khi chuyển đổi sang công ty cổ phần là 1.220 tỷ đồng (Bộ Tài chính sẽ có cơ chế xử lý). Dự kiến lợi nhuận xăng dầu Quý IV (hoạt động theo cơ chế thị trường) là 598 tỷ đồng.

Hệ thống số liệu đã nêu trên được lấy từ quyết toán chính thức và được kiểm toán độc lập, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra tài chính, thanh tra thuế xác nhận. Không có chuyện Petrolimex tùy tiện sửa đổi số liệu để đưa vào Bản công bố thông tin trước khi IPO.

Có câu hỏi đặt ra là, khi Petrolimex cổ phần hóa, vì lợi nhuận của các cổ đông, phải chăng giá xăng dầu trong nước sẽ không có cơ hội giảm? Đây là lo lắng chính đáng. Song, thời gian tới đây, thị trường xăng dầu trong nước sẽ được vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, thông qua việc thực hiện đầy đủ Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này đã quy định rất rõ trường hợp doanh nghiệp phải giảm giá bán. Do đó, sẽ không có chuyện doanh nghiệp giữ nguyên giá xăng dầu cao để tìm kiếm lợi nhuận mà quên mất quyền lợi của người tiêu dùng như lâu nay Petrolimex và các doanh nghiệp khác phải chịu điều tiếng.

Hơn nữa, kể cả sau khi cổ phần hóa, Petrolimex vẫn do nhà nước giữ cổ phần chi phối nên Petrolimex vẫn là công cụ để nhà nước điều tiết thị trường xăng dầu theo các mục tiêu kinh tế mà nhà nước đặt ra.

Trên thực tế, Petrolimex không phải là doanh nghiệp công ích. Việc bảo toàn và phát triển vốn của nhà nước là một trong những nhiệm vụ mà Petrolimex phải thực hiện, bên cạnh đó là yêu cầu bảo toàn vốn, áp lực về chi trả cổ tức cho các cổ đông. Việc cổ phần hóa trong thời gian tới sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh của Petrolimex được công khai và minh bạch hơn trước sức ép của các cổ đông ngoài nhà nước./.

TS. Bùi Ngọc Bảo
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Petrolimex

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội