Không dùng điện thoại tại cây xăng: Tuyên truyền mạnh, xử lý nghiêm

Thành Chung- Quỳnh HoaChinhphu.vn
04:33' CH - Thứ sáu, 22/03/2019

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh việc xử phạt nghiêm, những người trực tiếp bán xăng tại các trạm bán lẻ đều cho rằng phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu để không vi phạm.

Sử dụng điện thoại di động tại cây xăng bị xử phạt 2 - 5 triệu đồng

Kể từ ngày 5/8, hành vi sử dụng điện thoại di động tại khu vực bị cấm phải chịu hình phạt tiền với mức từ 2 đến 5 triệu đồng, quy định tạiNghị định 52/2012/NĐ-CP.

Nhiều ý kiến cho rằng phạt để răn đe, đảm bảo an toàn phòng cháy là một chuyện, nhưng quan trọng nhất phải là tuyên truyền cho người dân ý thức được hành động của mình để không vi phạm.

Nghị định 52/2012/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy do Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) chủ trì soạn thảo nhằm tăng cường tính răn đe, nâng cao ý thức phòng hỏa của cá nhân và tổ chức.

Trong Nghị định này, nội dung xử phạt việc sử dụng điện thoại di động tại những khu vực bị cấm (treo biển cấm sử dụng điện thoại), trong đó có các trạm xăng bán lẻ được nhiều người quan tâm vì gắn liền với cuộc sống thường ngày của đa số người dân.

Tiềm ẩn nguy cơ

Phó Trưởng phòng 7- Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) Hoàng Ngọc Huynh cho biết quy định cấm sử dụng điện thoại di động tại các kho xăng, dầu, các điểm bán lẻ đã được các Tổ chức, Tập đoàn dầu lửa trên thế giới quy định trong mọi hoạt động của họ.

Tại Việt Nam, từ năm 2006, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex- lúc đó còn là Tổng Công ty Petrolimex) đã xuất bản hướng dẫn an toàn phòng cháy chữa cháy xăng dầu trong toàn hệ thống, nêu rõ cấm sử dụng điện thoại di động tại các kho xăng, dầu, trạm bán lẻ.

Cũng từ năm 2006, Petrolimex là doanh nghiệp xăng dầu đầu tiên dán nhãn cấm sử dụng điện thoại di động tại các trạm xăng dầu, bán lẻ trên khắp cả nước. Đến nay, các điểm bán lẻ của các đầu mối nhập khẩu xăng dầu ở nước ta đều đã dán nhãn cấm sử dụng điện thoại trong lúc bơm xăng.

Ông Hoàng Ngọc Huynh cũng cho biết trên thế giới và ở trong nước chưa có nghiên cứu nào chứng minh đầy đủ việc sử dụng điện thoại di động tại khu vực chứa nhiều xăng, dầu sẽ gây cháy. Tuy nhiên vừa qua đã có một số tai nạn có thể liên quan đến điều này.

Cuối tháng 11/2011, anh Vũ Trọng Khanh ở Gia Lâm, Hà Nội đã bị bỏng khá nặng vì lửa cháy do nhận một cuộc gọi đến điện thoại di động của anh trong khi đi vệ sinh tại một cây xăng ở cầu Phù Đổng, quận Long Biên. Nạn nhân cho biết lúc trước khi nghe điện thoại cũng đã ngửi thấy mùi xăng nồng lên và khi nhận cuộc gọi thì lửa lùa vào, bốc quanh người…

Tại Brazil, ngày 23/2/2008, một nhân viên cửa hàng xăng dầu đã không tuân thủ quy trình nhập hàng khi dùng chiếc điện thoại của mình như một chiếc đèn chiếu sáng để kiểm tra hàng hóa trong khoang. Khoang chứa xăng dầu đã phát nổ và người nhân viên này đã chết sau đó 2 ngày…

Do vậy, câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nào (dù là nhỏ nhất) khiến xăng dầu cháy khi con người sử dụng điện thoại di động? Trả lời câu hỏi này, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex, cũng là một chuyên gia về an toàn cháy nổ xăng dầu cho biết khi bật điện thoại lúc có cuộc gọi, sẽ gây ra hiện tượng đoản mạch, tạo ra tia lửa điện. Nếu không may, xung quanh chỗ người sử dụng có nồng độ xăng dầu đủ lớn để phát hỏa thì sẽ kết hợp với tia lửa điện từ điện thoại gây ra cháy.

Ông Hoàng Ngọc Huynh cho biết thêm, trên thị trường Việt Nam thiết bị điện thoại lậu, không chính hãng là rất nhiều, do đó nhiều khi không đảm bảo an toàn về mạch và pin. Cùng với đó là một số tính năng mở rộng của điện thoại liên quan đến đèn flash cũng gây ra cháy khi tiếp xúc với khu vực có nồng độ xăng, dầu lớn.

Do vậy, cùng với các khuyến cáo của các chuyên gia, việc đưa quy định xử phạt hành vi này vào một Nghị định của Chính phủ nhằm tăng cường đảm bảo an toàn tối đa những nguy cơ cháy có thể xảy ra.

Đồng tình với quy định này, ông Vương Thái Dũng cho biết đây là một bước tiến trong phòng cháy chữa cháy nói chung, an toàn cháy nổ xăng dầu nói riêng vì đã nói đến cháy nổ mà đặc biệt là cháy nổ xăng dầu, hay đơn cử chỉ là cháy một điểm bán lẻ xăng dầu thì đó không còn là một tai nạn mà là thảm họa đối với xã hội.

Truyền thông để nâng cao ý thức và thay đổi hành vi

Các nhân viên làm công việc bơm xăng cho khách hàng tại các trạm xăng được hỏi đều cho rằng đã nhiều lần thấy khách nghe điện thoại hoặc gọi điện trong lúc đang mua xăng.

“Thấy ai nhấc máy nghe điện thoại, tôi, thậm chí cả những khách hàng xung quanh cũng nhắc người đó dừng cuộc điện thoại. Nhưng không phải ai cũng ý thức được hành động của mình. Có người nghe theo, nhưng có người sừng sổ mắng lại chúng tôi. Mà mình làm “căng” cũng khó”, chị Hiền, nhân viên tại một cửa hàng xăng ở Linh Đàm nói.

“Nay có quy định xử phạt nhưng quan trọng là thực hiện ra làm sao để có hiệu quả, không thì sẽ như việc xử phạt thuốc lá nơi công cộng”, anh Hiếu, nhân viên bán xăng của một đại lý PV Oil trên đường Lê Văn Lương bày tỏ.

Quan trọng hơn việc xử phạt, những người trực tiếp bán xăng tại các trạm bán lẻ đều cho rằng phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu để không vi phạm.

Cùng quan điểm, ông Vương Thái Dũng đề cao giải pháp truyền thông nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy cho người dân hơn là giải pháp xử phạt hành chính. “Các giờ vàng quảng cáo trên truyền hình là thời điểm tốt để tuyên truyền. Nhà nước cũng cần tính đến việc đầu tư để hoạt động truyền thông phòng ngừa cháy, nổ vào những thời điểm này để đạt hiệu quả cao”, ông Dũng gợi ý.

Một quản lý trạm bơm xăng trên đường Láng, Hà Nội cho biết sắp tới trạm sẽ làm một bảng ghi rõ hành vi sử dụng điện thoại tại nơi bị cấm sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền rồi treo ở trước trạm để mọi người nhìn rõ.

Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng 7- Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hoàng Ngọc Huynh cũng cho biết xử phạt để tăng cường tính răn đe, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ cùng phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền ý thức chấp hành quy định phòng, cháy chữa cháy trong nhân dân và các tổ chức.

Điều 11 của Nghị định 52/2012/NĐ-CP nêu rõ:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm…

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm…

Chinhphu.vn
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn