Xăng dầu luôn là “điểm nóng” của quản lý thị trường

Xăng dầu luôn là “điểm nóng” của quản lý thị trường
08:50 SA @ Thứ Sáu - 20 tháng 5, 2011

15:35:23 19/05/2011 (GMT+7)

Từ cuối năm 2010 đến nay, trước mỗi lần tăng giá xăng dầu, thị trường lại “nóng” lên vì tình trạng một số cửa hàng xăng dầu ngừng, tiết giảm giờ hoặc lượng xăng dầu bán ra. Để hiểu rõ hơn về việc xử lý sai phạm, lập lại trật tự thị trường xăng dầu, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Quyền- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương).

CôngThương - - Từ tháng 10/2010 đến nay, trước mỗi đợt tăng giá xăng dầu lại xuất hiện tình trạng nhiều đại lý xăng dầu đóng cửa, ngừng bán hàng hoặc bán nhỏ giọt, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý đối với các trường hợp này như thế nào, thưa ông?

- Ngay từ cuối năm 2010, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã đặt việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu nội địa và chống buôn lậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thực tế, từ tháng 10/2010 đến nay, mặc dù còn phải kiểm soát thị trường phân bón, ngoại tệ, thuốc trừ sâu, hàng giả… nhưng Cục Quản lý thị trường và các chi cục đã phải dốc lực tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu, nhất là thời điểm trước mỗi lần tăng giá, các đội QLTT gần như túc trực 24/24 giờ tại các điểm bán xăng dầu.

Ông Võ Văn Quyền- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường

Trước thời điểm tăng giá xăng dầu ngày 24/2/2011, các lực lượng QLTT đã kiểm tra 1.921 điểm bán xăng dầu, xử lý 281 vụ, với tổng số tiền phạt gần 530 triệu đồng. Các trường hợp bị phạt do vi phạm về điều kiện kinh doanh, thủ tục pháp lý, vi phạm về giá, cắt giảm thời gian bán hàng và kinh doanh xăng dầu không đúng hàm lượng chủng loại…

- Tuy nhiên, dư luận cho rằng, tình trạng các cây xăng đóng cửa trước mỗi đợt tăng là do QLTT xử lý chưa nghiêm, chỉ “giơ cao đánh khẽ”, ông nhận xét thế nào về ý kiến này?

- Có quan điểm cho rằng, phải kiên quyết xử lý những cửa hàng đóng cửa dừng bán, nhưng quan điểm của QLTT là vừa xử lý vừa thiết lập trật tự ổn định thị trường bán lẻ.

Vì thế vừa qua, chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng ở cả Cục Quản lý thị trường và chi cục. Khi có thông tin cửa hàng nào ngừng bán xăng dầu là lực lượng QLTT lập tức có mặt để xác định nguyên nhân dừng bán. Thường là đội QLTT đến ngay cửa hàng có dấu hiệu vi phạm yêu cầu dừng bán, tránh trường hợp dùng chíp, hoặc làm sai lệch thiết bị để gian lận…, sau đó qua chứng từ kiểm tra lượng xuất, nhập, tồn để phát hiện nguyên nhân.

Trong khi tâm lý của người tiêu dùng là hễ thấy cửa hàng dừng bán là nghi ngờ găm hàng, nhưng để xử lý đúng luật, lực lượng QLTT phải xác định rõ nguyên nhân. Nếu có hàng không bán thì là găm hàng, vi phạm Nghị định 107/2008/NĐ-CP ngày 22/09/2008 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại. Trường hợp cửa hàng được cung ứng bình thường, có hàng nhưng bán cầm chừng, hoặc tăng giá, tiết giảm thời gian bán… cũng là vi phạm. Nhưng nếu cửa hàng dừng bán do hết hàng thì phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao không có hàng để khắc phục.

Một ngày QLTT có thể tiếp thu hàng trăm thông tin cửa hàng xăng dầu găm hàng nhưng khi kiểm tra phải xét cụ thể, nếu có hàng mà không bán là vi phạm, nhưng nếu không có hàng thì không thể xử lý, vì thế không thể nói là xử lý nhẹ tay hay mạnh tay. Tinh thần của các chi cục QLTT là kiên quyết xử lý các trường hợp găm hàng, đặc biệt là găm hàng đầu cơ trong thời điểm thị trường căng thẳng, thậm chí áp dụng cả biện pháp thu hồi giấy phép kinh doanh ngay. Thực tế, trên hơn 1.000 trường hợp kiểm tra vừa qua hầu hết là do hết hàng. Sau khi kiểm tra các chủ cửa hàng đều cam kết khi có hàng lại bán bình thường. Sự đứt đoạn ấy không mang tính chất thường xuyên, chỉ mang tính thời điểm. Vì thế, khi xử lý vi phạm cũng phải đảm bảo quyền và nghĩa vụ, lợi ích của thương nhân, phải xử lý đúng người đúng tội để đảm bảo pháp luật nghiêm minh. Không thể cứ thấy đóng cửa thì quy là găm hàng. Bên cạnh chuyện xử lý, QLTT còn phải động viên khuyến khích các đại lý xăng dầu bán hàng trở lại, có khi còn gọi ngược lên cho các tổng đại lý, doanh nghiệp đầu mối yêu cầu cung cấp hàng.

Từ tháng 10/2010 đến trước ngày 24/2/2011, chúng tôi đã xử lý nghiêm hàng trăm điểm bán xăng dầu, trong đó có các vụ điển hình:

Ở Đồng Tháp có 2 cửa hàng bán cao hơn giá quy định (đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý). Tại Tiền Giang có 1 đại lý có dấu hiệu găm hàng đang xác minh. tại Ninh Thuận có 2 trường hợp vi phạm về đo lường phạt 16,5 triệu đồng, 1 trường hợp tác động làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo, đã xử phạt 22,5 triệu đồng và thu hồi gần 8 triệu đồng do thu lợi bất chính, tịch thu 2 bộ mạch điện tử của cột bơm nhiên liệu. Tại Lâm Đồng có 1 cửa hàng vi phạm về giá và bán hàng không có hóa đơn chứng tử (đang xử lý). Tại Kiên Giang bắt 1 trường hợp xuất luật xăng dầu qua biên giới.

Đặc biệt, Tại Tây Ninh đã xử lý 36 vụ vận chuyển xăng dầu qua biên giới (tuy nhiên khi kiểm tra chủ hàng đã bỏ chạy); xử lý nghiêm rút giấy phép kinh doanh 2 cưa hàng, thu hồi 12.545 lít xăng dầu.

Tại An Giang phạt 2 vụ gian lận về chất lượng, lập biên bản phạt 8 triệu và truy thu chênh lệch 573.000 đồng. Tại Gia Lai, Chi cục QLTT đã bắt giữ 1 đối tượng cung cấp xăng cho các cột bơm mini không đủ định lượng và kém chất lượng, lực lượng QLTT đã bàn giao cho công an xác minh làm rõ. Hiện còn nhiều vụ việc đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định.

- Từ cuối tháng 4 đến tuần đầu tháng 5/2011, liên tục xảy ra tin đồn tăng giá xăng dầu gây mất ổn định thị trường, lực lượng QLTT đã có biện pháp nào để dẹp yên tình trạng trên?

- Vừa qua thỉnh thoảng ở một vài địa phương rộ lên tin đồn thất thiệt tăng giá xăng dầu, một số cửa hàng đại lý xăng dầu tại các huyện, thị, thành phố đã đóng cửa ngưng bán hàng hoặc bán cầm chừng khiến tình hình rất phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Theo tôi, có thể thông qua một số báo, người dân hiểu lầm rằng cứ 30 ngày thì doanh nghiệp được phép điều chỉnh giá. Trong khi thông tin giá thế giới tăng, doanh nghiệp thì lỗ thì họ suy đoán có thể sắp tới tăng giá xăng dầu. Trước sự việc này, Cục QLTT cũng đã chỉ đạo các chi cục địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống kinh doanh xăng dầu trên các địa bàn, hoạt động cả ngày nghỉ, ngày lễ. Thậm chí tại Nghệ An, lực lượng QLTT phải bắc loa giải thích để giải tán đám đông. Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương đồng thời đưa tin bác bỏ tin đồn thất thiệt.

Từ ngày 29/4 đến 4/5, tại Tiền Giang, lực lượng QLTT đã kiểm tra 638 lượt, phát hiện 1 đại lý bán xăng A92 cao hơn giá niêm yết (giá niêm yết là 21.300 đồng/lít nhưng cửa hàng bán giá 21.800 đồng/lít), 1 đại lý bán hạn chế về số lượng xăng dầu không quá 30.000 đồng/lần/xe máy; 35 cửa hàng, đại lý bán lẻ đóng cửa (đến nay đã hoạt động bình thường). Tại TP.HCM, trong thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có một số cửa hàng ngừng bán xăng dầu, sau ngày lễ lại bán bình thường. Tại Đồng Nai đã kiểm tra, lập biên bản 9 cửa hàng đóng cửa. Tại An Giang, một số cửa hàng xăng dầu tại Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Phú Tân đóng cửa ngưng bán, giảm thời gian và lượng bán với lý do bận việc gia đình, sau đó đã mở bán bình thường. Xác minh bước đầu cho thấy, các cửa hàng đóng cửa có thể do tin đồn tăng giá và hệ thống PetroMekong có hiện tượng cung cấp nhỏ giọt. Tại Bắc Cạn xử lý 1 vụ lợi dùng tình hình khan hiếm hàng trên thị trường để mua vét, mua gom dầu diezen nhằm kinh doanh trái phép, QLTT đã phạt tiền 45 triệu đồng, tịch thu 3.600 lít dầu diezen 0,05S và 19 phuy loại 200 lít.

Từ ngày 7 đến 13/5, các chi cục QLTT tiếp tục kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, Chi cục QLTT Đồng Nai đã kiểm tra 11 doanh nghiệp, công ty tạm ngừng kinh doanh xăng dầu với lý do hết hàng, ngày nghỉ lễ kéo dài nên các doanh nghiệp không lấy được hàng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, hoạt động xuất lậu xăng dầu đã giảm rõ rệt do mức chênh lệch giá bán giữa Việt Nam và các nước láng giềng chỉ còn 100- 200 đồng/lít.

- Vừa qua, Bộ Công Thương tuyên bố sẽ làm rõ sai phạm trong kinh doanh xăng dầu trong thời gian từ tháng 10/2010 đến 24/2/2011, khi xảy ra hiện tượng một số cửa hàng đóng cửa, giảm thời gian bán hàng thời gia…, thậm chí truy ngược trách nhiệm đến tổng đại lý, thương nhân đầu mối, đến nay kết quả thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Sau khi sơ kết tình hình kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng xăng dầu, từ tháng 3/2011, Cục Quản lý thị trường đã yêu cầu các chi cục QLTT dựa vào kết quả kiểm tra để tiếp tục truy ngược hệ thống trên cơ sở đối chứng chứng từ xuất- nhập- tồn. Bởi vì trên 1.000 trường hợp kiểm tra vừa qua thì hiện tượng đóng cửa hàng hoặc giảm thời gian, lượng bán hầu hết đều do hết hàng.

Bộ Công Thương đã yêu cầu phân loại các sai phạm để tiếp tục truy ngược lên các tổng đại lý, các doanh nghiệp đầu mối, qua đó kết luận xem có chuyện găm hàng bắt nguồn từ đâu. Hiện nay, Bộ đã thành lập các đoàn kiểm tra và đang tiếp tục tiến hành. Tuy nhiên, do phải kiểm tra khối lượng xuất- nhập- tồn rất lớn từ hệ thống đại lý, tổng đại lý đến các đầu mối nhập khẩu nên cần nhiều thời gian, không thể ngày một ngày hai là có câu trả lời ngay.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Hương

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội