Ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 trong đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp

Nam Hảicmsc.gov.vn
04:06' CH - Thứ ba, 04/12/2018

Đây là Hội thảo do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) tổ chức ngày 3/12 tại Đà Nẵng. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của lãnh đạo, công chức các Vụ chức năng; đội ngũ Trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc; lãnh đạo và các chuyên viên khu vực miền Trung của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel miền Trung).

Theo các chuyên gia kinh tế, công nghệ thông tin 4.0 (CNTT 4.0) hiện đang trong giai đoạn khởi phát, sẽ xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, CNTT 4.0 cũng sẽ trở thành sức ép lớn đến hoạt động của mọi lĩnh vực kinh tế nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận, và ứng dụng CNTT một cách phù hợp.

Với chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, việc tiếp cận, ứng dụng CNTT 4.0 là đòi hỏi bức thiết do yêu cầu của công tác quản trị, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi vấn đề nhân sự đang kiện toàn, lực lượng công chức chuyên trách còn mỏng. Và điều quan trọng hơn cả, việc ứng dụng CNTT không chỉ đáp ứng được nhu cầu mang tính thời điểm cần kiểm soát mà còn luôn tạo ra một kết quả minh bạch, khách quan.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà nêu sự cần thiết của việc áp dụng CNTT trong quản trị điều hành cũng như phục vụ hệ thống báo cáo. Phó Chủ tịch đánh giá cao công tác chuẩn bị, cũng như nội dung Hội thảo của Trung tâm Thông tin và các bộ phận hỗ trợ như Văn phòng, các Vụ chức năng. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà cũng ghi nhận sự nghiêm túc của các kiểm soát viên, mặc dù đây là thời điểm bận rộn đối với doanh nghiệp nhưng vẫn tham gia đầy đủ…

Ông Trần Tuấn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Giải pháp doanh nghiệp Viettel miền Trung tham luận với chủ đề “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị doanh nghiệp hội nhập”

Mở đầu Hội thảo, ông Trần Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Giải pháp doanh nghiệp Viettel miền Trung tham luận với chủ đề “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị doanh nghiệp hội nhập”. Diễn giả Trần Tuấn Ngọc cho biết, Viettel là đơn vị quản trị doanh nghiệp tương đối tốt và hệ thống CTTT đều tự làm. Nhân viên các cấp đều được giao các chỉ tiêu trong công việc ngay trên điện thoại, dẫn đến việc tối ưu các chỉ số bán hàng, kinh doanh… Trong công tác tổ chức, Viettel cũng luôn cải tiến quy trình và việc áp dụng CNTT nhằm hiện thực hóa mục tiêu trong quản trị, điều hành. Trong một số công tác quản trị khác như sim rác, giám sát bảo mật… Viettel đều làm khá tốt, đem lại niềm tin cho khách hàng.

Liên hệ với công việc của các kiểm soát viên, ông Trần Tuấn Ngọc cho rằng, Viettel luôn mong muốn có sự phối, kết hợp tốt nhất với Ủy ban, với các doanh nghiệp để cùng phát triển, áp dụng các công nghệ mới trong quản lý, điều hành…

Ông Trần Công Hòa, Phụ trách Trung tâm Thông tin Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giới thiệu về Bộ phần mềm chỉ số

Điểm nhấn của Hội thảo đến từ tham luận của ông Trần Công Hòa, Phụ trách Trung tâm Thông tin của Ủy ban. Ông Trần Công Hòa cho rằng, trong 19 doanh nghiệp tương ứng với 5 ngành nghề và rất nhiều các công ty con. Vì vậy, việc các doanh nghiệp quản lý các công ty con cũng tương tự như Ủy ban hiện nay đang quản lý các doanh nghiệp. Việc Trung tâm Thông tin xây dựng Bộ phần mềm chỉ số có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là tạo nên một hệ thống quản lý vốn thông suốt, từ Ủy ban đến các doanh nghiệp và các công ty con thuộc doanh nghiệp, tăng sự kết nối giữa các doanh nghiệp với Ủy ban, nâng cao hoạt động hiệu quả của các bên…

Cũng theo ông Trần Công Hòa, Bộ chỉ số chung về giám sát, đánh giá doanh nghiệp lần này được xây dựng, áp dụng cho tất cả doanh nghiệp. Việc xây dựng các chỉ số riêng theo lĩnh vực ngành sẽ được thực hiện ở các giai đoạn sau theo lộ trình hoạt động của Ủy ban.

Theo các tham luận tại Hội thảo, với nội dung sát với nhu cầu người nghe là các kiểm soát viên các tập đoàn, tổng công ty, Bộ chỉ số và phần mềm ứng dụng, định hướng, thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai và giải pháp khắc phục được giới thiệu hết sức khoa học và chi tiết. Theo đó, “sức khỏe” của doanh nghiệp được đo lường bằng hệ thống các chỉ số được “cắt lát” nhiều chiều cho mỗi doanh nghiệp, tùy vào lĩnh vực. Nếu như trước đây, khi đánh giá tài chính một doanh nghiệp chỉ dừng lại các chỉ số ROA, ROE.. (tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản và tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) thì hiện nay, đánh giá toàn diện tình hình tài chính một doanh nghiệp phải cần tới gần 40 chỉ tiêu. Có thể khẳng định rằng, Bộ chỉ số và phần mềm ứng dụng đáp ứng được cả công tác tham mưu nghiệp vụ của các Vụ, công tác ra quyết định của Lãnh đạo Ủy ban và báo cáo các cấp của doanh nghiệp.

Ngay tại Hội thảo, các đại biểu được thực hành trên máy tính với sự hướng dẫn của các chuyên viên Trung tâm Thông tin.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Kế toán Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), việc xây dựng bộ chỉ số tương đối phù hợp với các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban. Riêng với Vinacafe, đề nghị rút gọn số lượng các chỉ tiêu, đồng thời rút ngắn số trang báo cáo… Ông Tuấn cũng kiến nghị, muốn nâng cao hiệu quả, Ủy ban cần tập trung vào chiến lược quản trị nhân lực và định hướng phát triển…

Còn bà Tô Thị Thảo, Trưởng ban Kiểm soát Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) chia sẻ, theo nội dung triển khai bộ chỉ số là rất hữu ích cho doanh nghiệp trong công tác quản trị. Các bảng biểu rất chi tiết, dễ dàng cho người sử dụng. Tuy nhiên, bộ chỉ số này mới chỉ áp dụng chung cho các doanh nghiệp.

Bà Đoàn Thị Thanh Bình, Kiểm soát viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, về cơ bản, bộ chỉ số nếu được áp dụng sẽ thuận lợi cho cả doanh nghiệp và Ủy ban, tuy nhiên, việc áp dụng như thế nào cho ăn khớp, hiệu quả thì cần có thời gian chạy thử và điều chỉnh…


Các đại biểu tham dự Hội thảo

Đa số các đại biểu, kiểm soát viên tại Hội thảo đều đánh giá cao từ ý tưởng đến việc xây dựng Bộ phần mềm chỉ số bởi đây thực sự là công cụ hữu hiệu cho cả doanh nghiệp và Ủy ban. Nếu được áp dụng đồng bộ, xuyên suốt sẽ rút ngắn được rất nhiều công đoạn, thủ tục hành chính và điều quan trọng nhất là tạo sự minh bạch, góp phần lành mạnh hóa các hoạt động tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

cmsc.gov.vn
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn