Thủ tướng kể chuyện truyền cảm hứng cho thương vụ

Thủ tướng kể chuyện truyền cảm hứng cho thương vụ

Nguyễn Văn

05:38 CH @ Thứ Sáu - 09 tháng 2, 2018

Trong hơn một giờ đồng hồ, biểu dương và giao nhiệm vụ cho hệ thống thương vụ; nhưng xuyên suốt bài phát biểu của Thủ tướng là những câu chuyện kinh nghiệm thực tế, thấm thía, truyền cảm hứng mạnh mẽ tới những người “Đứng ở tuyến đầu trên mặt trận ngoại thương của đất nước".


Mở đầu buổi nói chuyện, Thủ tướng nhìn bao quát hội trường một lượt, phấn khởi bảo: “Tôi thấy nhiều doanh nghiệp ở phía dưới không còn ghế ngồi, Hội nghị thế là thành công!”. Đây là câu Thủ tướng nói vui, nhưng cho thấy sức nóng của một hội nghị về hệ thống thương vụ, được Thủ tướng xếp ở tuyến đầu trên mặt trận ngoại thương.

Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, trên 5 mặt hoạt động nghiệp vụ: Nghiên cứu chính sách thị trường; xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ rào cản thương mại; tham gia tích cực vào quá trình đàm phán FTA; và những việc làm cụ thể, trong đó nổi bật là thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, đưa được các mặt hàng nông sản, hoa quả đặc trưng của Việt Nam tiếp cận các thị trường, như tôm, xoài, thanh long vào Australia; gà qua chế biến, thanh long ruột đỏ, vú sữa vào Nhật Bản; xoài, vải, nhãn, chôm chôm vào Đài Loan (Trung Quốc); nhãn, vải sang Thái Lan...

Các Thương vụ tại I-ta-li-a, Liên bang Nga, Pháp, Nhật Bản, Ốt-xtrây-lia, Lào, Thái Lan, Phi-lip-pin, Hàn Quốc ... đã tích cực phối hợp với các Vụ khu vực trong việc đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam tiếp cận các chuỗi phân phối tại nước sở tại, định kỳ tổ chức ngày bán hàng, tuần bán hàng Việt Nam tại các chuỗi phân phối này, đồng thời kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các chợ nông sản đầu mối tại nước sở tại.

Một câu chuyện nữa, rất vui và rất thực, Thủ tướng khen Bộ Công Thương tâm lý, tổ chức hội nghị vào thời gian này để anh em thương vụ có dịp về nước ăn Tết Nguyên Đán. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, cả hệ thống chính trị đều quan tâm chăm lo đến điều kiện làm việc, đời sống tinh thần của những người “ở trên tuyến đầu”.

Cuối năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong đó bổ sung nhiều điều khoản ưu đãi dành cho thành viên và gia đình thành viên cơ quan đại diện, trong đó có thương vụ.

Thủ tướng cũng cho biết, vừa qua, “Trên cơ sở đề nghị của các đồng chí trong các hội nghị tham tán trước đây, chúng tôi đã có một số điều chỉnh, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của hệ thống thương vụ”. Ngay tại Hội nghị, Thủ tướng đã đề nghị Bộ trưởng Công Thương có hình thức khen thưởng, động viên xứng đáng đối với những thương vụ, tham tán làm việc tích cực trong năm qua, nhất là tại các thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu cao hơn mức tăng xuất khẩu bình quân 21% của cả nước.

Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong thi hành công vụ, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các thương vụ, mà yêu cầu đầu tiên là phải nhận thức đầy đủ thế và lực của đất nước trong tình hình mới. Theo Thủ tướng, Việt Nam là một trong những nước tham gia các hiệp định thương mại tự do nhiều nhất khu vực. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá tăng 14 bậc, đứng thứ 68/190 nền kinh tế; năng lực cạnh tranh quốc gia được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ; Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127; tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP khoảng 190%.

Độ mở của nền kinh tế ở mức rất cao, trong khi xuất hiện xu thế bảo hộ mậu dịch, nhưng Thủ tướng cho rằng, “Nhờ mở cửa bên ngoài, việc cải cách bên trong được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Càng khó khăn thì càng phải mở cửa, chứ không phải khó mà co cụm lại”. Do đó, hệ thống thương vụ“Phải là một tập thể mạnh ở tuyến đầu đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Muốn làm được điều đó “Thương vụ cần lấy thành công của doanh nghiệp, của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam làm thước đo hiệu quả làm việc của mình”. Thủ tướng kể chuyện một tham tán Nhật Bản tại nước ta với 4 phẩm chất nổi trội. Trước hết ông ta quan hệ với chính quyền ở trung ương và địa phương ở nước ta rất tốt. Thứ nữa, “Ông ấy lăn lộn dữ lắm, đi tỉnh này tỉnh khác, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác”. Thứ ba, ông ta có kiến thức rất sắc sảo, hiểu biết pháp luật nước sở tại, từ sắc thuế đến thuế suất. Cuối cùng, ông ấy đấu tranh với các bộ ngành, Chính phủ về những việc mà doanh nghiệp cho rằng cản trở thương mại Việt Nam - Nhật Bản.

Kể rồi, Thủ tướng dường như trầm tư hơn, đặt câu hỏi “Đó có phải là bài học kinh nghiệm cho thương vụ Việt Nam không? Chúng ta có lăn lộn được thế không?”.

Thủ tướng tiếp tục kể chuyện tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink học gói bánh chưng. Đâu phải chỉ là chuyện gói bánh chưng, đó là tìm hiểu lịch sử, văn hóa nước sở tại, thương vụ của ta có làm được thế không? Làm thương vụ là làm ngoại giao kinh tế, phải tùy gia nhập tục, gắn bó với người dân, doanh nghiệp, chính quyền nước sở tại.

Cuối cùng, khi nói tới sự kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng kể chuyện ông và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhiều lần nghe Thủ tướng Shinzo Abe quảng bá “Lê Nhật Bản ngon lắm”. Thủ tướng nói tiếp, ổng nói mạnh được là vì quả lê Nhật Bản ngon thật. Và kết luận, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài có mạnh miệng quảng bá hàng Việt hay không, còn do chất lượng hàng trong nước.

Thủ tướng dẫn chuyện kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao của Việt Nam tại Hội nghị Geneve, Hội nghị Paris, quyết định nằm ở chiến trường. Với xuất khẩu cũng vậy, thương vụ có nhiệm vụ tìm hiểu nhu cầu, dung lượng, sở thích, mức thuế thị trường, nhưng quyết định nằm ở các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải quản lý, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thương hiệu, bao bì tốt, không được “tiền hậu bất nhất”, phải cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, tạo điều kiện hơn cho sản xuất, xuất khẩu thì thương vụ Việt Nam ở nước ngoài “mới nói mạnh miệng được”.

Hơn một tiếng đồng hồ, giao nhiệm vụ cho hệ thống thương vụ với phương châm lấy thành công của doanh nghiệp, của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam làm thước đo hiệu quả làm việc của mình. Nhưng xuyên suốt bài phát biểu, là những câu chuyện kinh nghiệm thực tế, thấm thía, truyền cảm hứng mạnh mẽ tới những người “Đứng ở tuyến đầu trên mặt trận ngoại thương của đất nước, bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Cùng chuyên mục

PIACOM: Sản xuất kinh doanh thắng lợi, tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững

Petrolimex trên báo chí |  16/01/2025

Petrolimex tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai, tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW

Petrolimex trên báo chí |  06/01/2025

TCT Hoá dầu Petrolimex: Đẩy mạnh tái cấu trúc và tinh gọn bộ máy trong năm 2025

Petrolimex trên báo chí |  06/01/2025

Bàn giao 100 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại huyện Khánh Vĩnh

Petrolimex trên báo chí |  27/09/2024

Khen thưởng đột xuất 4 nhân viên kịp thời chữa cháy

Petrolimex trên báo chí |  02/08/2024

Doanh thu Petrolimex tăng 26%

Petrolimex trên báo chí |  05/02/2018

Phát hiện nhiều mẫu xăng có hàm lượng Octan thấp hơn quy chuẩn

Petrolimex trên báo chí |  31/01/2018

Kết quả phiên họp cấp trưởng đoàn đàm phán các nước tham gia hiệp định CPTPP

Petrolimex trên báo chí |  29/01/2018

Công ty Xăng dầu Điện Biên triển khai nhiệm vụ và hội nghị người lao động năm 2018

Petrolimex trên báo chí |  19/01/2018

Sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi QLNN của Bộ Công Thương

Petrolimex trên báo chí |  19/01/2018

Công ty Xăng dầu Hà Giang tổng kết công tác năm 2017 và Hội nghị người lao động năm 2018

Petrolimex trên báo chí |  19/01/2018

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội