Sẽ hạ thuế nhập khẩu để giữ giá xăng dầu

Sẽ hạ thuế nhập khẩu để giữ giá xăng dầu

Thanh Hương

04:42 CH @ Thứ Sáu - 14 tháng 1, 2011

Cập nhật: 15:53:00 14/1/2011

Các doanh nghiệp xăng dầu vẫn "cắn răng" chịu lỗ đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Nhằm đảm bảo cung cầu xăng dầu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, cuộc họp giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương với các doanh nghiệp trong ngày 13/1, do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu và Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú chủ trì, đã thống nhất tiếp tục giảm thuế nhập khẩu và điều chỉnh tăng phí kinh doanh xăng dầu.

CôngThương - Cuộc họp bàn thảo hai vấn đề chính là bảo đảm ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu và giải quyết tình trạng lỗ triền miên của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Về nguồn ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương thống nhất đề nghị: để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo bán đủ ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu theo đúng tinh thần công điện và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, hai bộ thông báo, nếu doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu khi làm thủ tục mua ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu bị ngân hàng nào từ chối, cần báo cáo kịp thời và cụ thể về Bộ Công Thương để Bộ có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng chính phủ.

Tại cuộc họp hai bộ cũng bàn tới các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng doanh nghiệp lỗ kinh doanh xăng dầu kéo dài.

Theo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính là cơ quan hướng dẫn trích lập và vận hành sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Quỹ BOG sẽ được sử dụng để bù đắp số lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp trong các trường hợp yếu tố cấu thành làm giá cơ sở tăng vượt 7% đến 12%, trên 12% hoặc trong từng trường hợp có ảnh hưởng tới phát triển kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân (quy định tại khoản 3, Điều 27 Nghị định 84). Ngày 9/12/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 234/2009/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ BOG xăng dầu. Trong đó, Điều 5 Thông tư 234 có hướng dẫn 4 trường hợp sử dụng quỹ BOG (khoản 1, 2, 3, 4).

Nhưng thực tế, trong quá trình điều hành giá xăng dầu, có thời điểm khi giá cơ sở tăng khoảng 5,2% (trường hợp các DN có quyền tự điều chỉnh tăng giá bán- PV) nhưng Bộ Tài chính yêu cầu các thương nhân đầu mối không điều chỉnh giá (văn bản số 3500/BTC-QLG) ngày 22/3/2010); thông báo thương nhân đầu mối được sử dụng quỹ BOG để bù đắp số lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh xăng dầu (văn bản số 4033/BTC-QLG ngày 1/4/2010) và thông báo mức chi sử dụng quỹ BOG tối đa cho các mặt hàng xăng dầu (văn bản số 4214/BTC-QLG) ngày 7/4/2010)…

Như vậy, gần như suốt cả năm 2010, việc sử dụng quỹ BOG theo khoản 1, 2 và 3 Điều 5 không được áp dụng, Bộ Tài chính chỉ sử dụng biện pháp quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 234: “Trường hợp việc tăng giá xăng dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương quyết định công bố các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành chính sách thuế, việc trích lập và sử dụng quỹ BOG và các biện pháp kinh tế hành chính khác theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lộc An- Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương, Tổ phó Tổ giám sát giá xăng dầu Liên bộ Tài chính- Công Thương: Khoản 4 Điều 5 của Thông tư 234 không nói rõ “các biện pháp hành chính khác” ở đây là gì? và trong việc trích quỹ BOG, thì việc xác lập giá cơ sở doanh nghiệp báo lên để làm cơ sở trích quỹ bù lỗ cho doanh nghiệp cũng chưa làm được.

Ngay cả khi sử dụng quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 234 để bù đắp số lỗ phát sinh trong quá trình bình ổn giá của doanh nghiệp cũng chưa được phù hợp, chưa bù đắp được hết lỗ cho doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp vẫn bị lỗ trong kinh doanh xăng dầu. Thời gian bị lỗ kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của các thương nhân đầu mối, kéo theo việc nhập xăng dầu cầm chừng của một số doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn cung (vì càng nhập nhiều về, bán ra càng nhiều càng lỗ).

Vì thế, để giảm bớt lỗ cho doanh nghiệp đầu mối, hai bộ thống nhất các biện pháp: Trước mắt sẽ tăng mức chi phí kinh doanh, giảm thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu, diezen và dầu hỏa, đồng thời tiếp tục tăng mức sử dụng quỹ BOG.

Tại cuộc họp, Bộ Công Thương kiến nghị: Điều hành kinhdoanh xăng dầu trong năm 2011 cần tuân thủ đúng quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP cũng như các quy định hướng dẫn tại Thông tư 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính; Cần làm rõ hơn quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 234 để tránh tùy tiện áp dụng khi điều hành kinh doanh xăng dầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: Cần thống nhất cơ chế phối hợp thông tin giữa Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trong kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra tình trạng lỗ, thiếu ngoại tệ trong kinh doanh xăng dầu, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Thanh Hương

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội