Mất nguồn lực trích quỹ bình ổn xăng dầu

Mất nguồn lực trích quỹ bình ổn xăng dầu

Thanh Hương

11:09 SA @ Thứ Năm - 20 tháng 5, 2010

Do lỗ kinh doanh xăng dầu, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã mất khả năng trích quỹ bình ổn xăng dầu (BOG), đồng thời phải chờ đợi hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc sử dụng quỹ bình ổn.

CôngThương - Trước thông tin nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngừng trích quỹ bình ổn xăng dầu, một thành viên trong Tổ giám sát giá xăng dầu Liên bộ Tài chính- Công Thương khẳng định, đến nay Thông tư số 234 /2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 9/12/2009 về trích quỹ bình ổn xăng dầu vẫn có hiệu lực, nếu doanh nghiệp không thực hiện là vi phạm pháp luật. Quỹ bình ổn quy định là tài khoản 357 trong báo cáo tài chính, phản ánh tình hình tăng, giảm quỹ của doanh nghiệp. Quỹ được trích lập từ tiền trả khi mua xăng dầu của người tiêu dùng và sử dụng với mục đích nhằm bình ổn thị trường trong nước khi giá xăng dầu thế giới cao và do Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) quản lý giám sát. Trong Thông tư 234 quy định, sẽ xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp “không tuân thủ mức trích, thời gian ngừng trích, hoặc thời gian bắt đầu khôi phục lại mức trích Quỹ Bình ổn giá; không sử dụng Quỹ Bình ổn giá đúng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền…”.

Nhưng nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã phản bác ý kiến trên, mặc dù giá xăng dầu thế giới đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, nếu so sánh giữa giá bán xăng dầu hiện nay và giá cơ sở công bố ngày 18/5 của Petrolimex thì hiện nay xăng đang lỗ 850 đồng/lít; diezel lỗ 1.450 đồng/lít; dầu hỏa lỗ 1.251 đồng/lít, dầu mazut lỗ ít nhất cũng gần 500 đồng/lít. Kinh doanh bị lỗ thì việc quy định trích quỹ bình ổn chỉ còn là hình thức.

Theo bà Đàm Thị Huyền- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): Từ tháng 3 tới nay, giá xăng dầu thế giới luôn ở mức cao, trong khi giá bán trong nước không thay đổi. Doanh nghiệp bị lỗ nặng. Nếu không tính khoản trích BOG (300 đồng/lít xăng, dầu) thì kết quả kinh doanh toàn bộ các mặt hàng xăng dầu vẫn “âm”. Dù muốn hay không, doanh nghiệp không có nguồn lực để tiếp tục trích quỹ.

Ông Vương Thái Dũng- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam- cho biết thêm: Theo Điều 27 của Nghị định 84 “Thương nhân đầu mối có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá”. Như vậy, phải khẳng định, hiện nay doanh nghiệp đang tham gia bình ổn giá, nhưng thực tế 3 tháng qua kinh doanh xăng dầu lỗ, lãi gộp còn không đủ bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh thì làm sao có khả năng trích lập quỹ. Nếu cơ quan quản lý tiếp tục bắt trích nộp quỹ bình ổn là đẩy cái khó cho doanh nghiệp.

Phải thừa nhận, vừa qua để tháo gỡ khó khăn, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã “mở đường” cho doanh nghiệp được xả quỹ bình ổn bù đắp lỗ (tối đa 500 đồng/lít xăng, 400 đồng/lít diezel), nhưng song song với việc cho xả, Bộ Tài chính quy định vẫn tiếp tục trích quỹ bình ổn (300 đồng/lít). Nếu cân đối giữa mức xả và trích quỹ BOG thì thực chất mỗi lít xăng chỉ được bù 200 đồng/lít, diezel được bù 100 đồng/lít, so với giá cơ sở hiện nay kinh doanh các mặt hàng vẫn “âm” nặng. Nhiều người cho rằng, quy định đó chẳng khác gì việc anh lấy tiền ở túi bên này của mình rồi bỏ sang túi bên kia. Thực ra chỉ cần quy định mức xả cụ thể là bao nhiêu.

Hơn nữa, việc cho quy định sử dụng quỹ bình ổn cũng còn mập mờ, chung chung, thiếu tính công bằng. Công văn 4214/BTC-QLG ngày 7/4/2010 của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) ghi: “Mức tối đa cụ thể được sử dụng là: Mặt hàng xăng 500 đồng/lít, mặt hàng điêden 400 đồng/lít, mặt hàng dầu hoả 400 đồng/lít”. Nếu quy định chung chung như vậy, có khả năng nếu doanh nghiệp quản lý giỏi, tiết kiệm tốt chi phí sẽ được xả ít hơn doanh nghiệp có chi phí nhiều, điều đó thiếu công bằng, không khuyến khích việc tiết giảm chi phí quản lý, và có thể còn sinh tiêu cực. Bởi vì khi quy định mức xả tối đa là 500 đồng/lít đối với xăng thì dù chi phí chưa tới mức đó nhưng các doanh nghiệp cũng sẽ khai đủ mức chi phí là 500 đồng/lít. Vì thế, hiện nay các doanh nghiệp phải chờ Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể nguyên tắc sử dụng quỹ minh bạch hơn.

Để tạo sự minh bạch, công khai và công bằng trong sử dụng quỹ bình ổn, vừa qua Petrolimex đã đề xuất với Bộ Tài chính phương pháp sử dụng quỹ bình ổn (BOG). Trong đó, mức chi sử dụng quỹ BOG= giá bán lẻ thực tế trong giai đoạn bình ổn giá trừ (-) giá cơ sở (theo Nghị định 84 trừ (-) lợi nhuận định mức.

Theo cách tính trên, nếu kết quả phép tính trên âm (-) thì doanh nghiệp được phép xả quỹ bình ổn, nếu kết quả bằng 0 sẽ dừng xả quỹ, còn nếu kết quả dương (+) thì tiếp tục trích quỹ bằng đúng kết quả phép tính.

Nếu thực hiện cách tính trên sẽ tạo sự công bằng, có lợi cho Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh. Thế nhưng cho đến nay, đề xuất của Petrolimex vẫn chưa thấy Bộ Tài chính có ý kiến.

Trong lúc đó, thị trường xăng dầu trong nước đã xảy ra hiện tượng nhiều doanh nghiệp giảm số lượng bán ra, bởi vì trong tình hình lỗ kinh doanh như hiện nay, doanh nghiệp càng bán càng lỗ. Và đúng theo quy luật, khi kinh doanh lỗ, các doanh nghiệp giảm bán thì “trăm dâu” lại đổ đầu Petrolimex. Thực tế, trong 2 tháng qua lượng xăng dầu bán ra của Petrolimex đã tăng nhanh, điều đó cũng đồng nghĩa là Petrolimex càng chịu lỗ nhiều hơn.

Trong điều kiện bình ổn giá thị trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay, từ nay đến hết tháng 6, việc tăng giá bán lẻ xăng dầu khó có thể xảy, quản lý nhà nước tỏ ra lúng túng khi tháo gỡ khó khăn, nhưng nếu tiếp tục để tình trạng lỗ kinh doanh kéo dài sẽ không lường hết những biến động tiêu cực trên thị trường. Từ tháng 3, Bộ Công Thương đã có kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng biện pháp tháo gỡ, ngoài việc xả quỹ bình ổn phải song song sử dụng công cụ thuế. Vừa qua, Bộ Tài chính đã sử dụng phương pháp vừa xả quỹ bình ổn và giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, nhưng thực tế mức xả và giảm thuế còn rất ít, chưa đủ bù đắp chi phí hợp lý.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để tháo gỡ khó khăn, lúc này chúng ta phải tiếp tục sử dụng công cụ thuế, tiếp tục giảm thuế nhập khẩu, tránh các biện pháp hành chính và kiên quyết thực hiện định hướng thị trường hóa kinh doanh xăng dầu.

Thanh Hương

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội