Lúng túng xác định thù lao đại lý xăng dầu

Lúng túng xác định thù lao đại lý xăng dầu

Thanh Hương

08:30 SA @ Thứ Sáu - 01 tháng 11, 2013

01/11/2013 08:00:00

Việc Bộ Tài chính quy định thù lao (hay hoa hồng) cho đại lý xăng dầu nhằm khống chế tình trạng đẩy thù lao lên cao gây cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, xác định thù lao thế nào cho phù hợp thì cơ quan quản lý lại tỏ ra khá lúng túng.

CôngThương- Hai lần thông báo, vấp nhiều phản đối

Ngày 28/3/2013, Bộ Tài chính đã có Thông báo 135/TB-BTC (gọi tắt là Thông báo 135) về việc điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức xăng dầu, trong đó quy định mức thù lao dành cho mỗi tổng đại lý, đại lý bình quân cả năm tối đa không vượt quá 50% mức chi phí kinh doanh định mức trong năm tài chính (hiện là 860 đồng/lít các loại xăng dầu, 500 đồng/kg dầu mazut). Như vậy, thù lao đại lý trung bình trong cả năm tối đa không vượt quá 430 đồng/lít xăng dầu và 250 đồng/kg cho dầu mazut. Mức thù lao này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí vận chuyển từ cửa kho của thương nhân đầu mối đến kho của Tổng đại lý, đại lý.

Ngay từ những ngày đầu thực hiện Thông báo 135, hầu hết các DN đã kiến nghị gửi cho Hiệp hội Xăng dầu VN và Bộ Tài chính phản đối thông báo này, vì chi phí thực tế của các đại lý cao hơn mức thù lao theo Thông báo 135 quy định. Nhất là đối với các đại lý có cửa hàng xăng dầu (CHXD) có vị trí xa kho bể của DN đầu mối cung cấp xăng dầu.

Sau 5 tháng thực hiện Thông báo 135, ngày 28/8/2013 Bộ Tài chính mới có Thông báo 308/TB-BTC (gọi tắt là Thông báo 308) nhằm điều chỉnh một số nội dung của Thông báo 135. Theo đó, mức thù lao đại lý được phân biệt cho 2 trường hợp:

Đối với những tổng đại lý, đại lý có cửa hàng xăng dầu (CHXD) nằm trong phạm vi 50km tính từ kho của thương nhân đầu mối đến kho tổng đại lý, đại lý thì mức thù lao không vượt quá 50% mức chi phí định mức trong năm tài chính, hiện mức này không quá 430 đồng/lít xăng dầu.

Còn đối với những tổng đại lý, đại lý có CHXD nằm ngoài phạm vi nói trên thì mức thù lao bình quân cả năm được xác định đảm bảo hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của tổng đại lý, đại lý.

Tuy nhiên, khi Thông báo có hiệu lực, một lần nữa hàng loạt DN đầu mối kinh doanh, thậm chí cả nhiều tổng đại lý, đại lý cũng phản đối nội dung của thông báo này.

Phân biệt đối xử giữa các đại lý

Thực tế, sau khi có Thông báo 308, những DN xăng dầu nghiêm chỉnh chấp hành điều hành của cơ quan quản lý thì chịu thiệt thòi vì thù lao thấp hơn các DN đầu mối khác. Đặc biệt, nhiều DN đầu mối vẫn tìm cách lách luật đẩy thù lao lên cao để tranh giành khách hàng (là các tổng đại lý, đại lý), nhất là đối với những đại lý có CHXD ngoài phạm vi 50km.

Chưa nói tới việc quy định mức thù lao theo Thông báo 308 có hợp lý hay không, Công ty Xăng dầu khu vực I (Petrolimex Hà Nội) có ý kiến: Quy định này tạo ra sự bất bình đẳng trong tổ chức kinh doanh. Trong khi các đại lý nằm ngoài phạm vi 50 km được hưởng thù lao đảm bảo hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, không chịu sự chi phối về thù lao thì các đại lý nằm trong phạm vi 50km lại chịu chi phối về mức thù lao. Do đó quy định này sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các tổng đại lý, đại lý khi nằm ở các địa bàn khác nhau.

Hầu hết các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu đều cho rằng quy định về thù lao cho đại lý theo Thông báo 308 là không phù hợp, không đủ bù đắp chi phí.

Doanh nghiệp tư nhân Duy Tuấn- một đại lý bán lẻ xăng dầu của Công ty Xăng dầu Bắc Thái- tính toán: CHXD Duy Tuấn cách kho của Công ty Xăng dầu KVI 55 km, các khoản chi phí bao gồm: vận chuyển: 100 đồng/lít; lương công nhân và quản lý: 200 đồng/lít; chi phí điện nước, điện thoại, sửa chữa máy móc: 50 đồng/lít; thuế GTGT, thuế TNDN: 50 đồng/lít; thuê mặt bằng: 150 đồng/lít; chi đầu tư vốn, giao dịch ngân hàng: 50 đồng/lít. Tổng chi phí là 600 đồng/lít chưa kể lợi nhuận. Như vậy chi phí thực tế so với thù lao quy định là 430 đồng/lít thì DN lỗ 170 đồng/lít.

Ông Đoàn Minh Quang- Tổng giám đốc Công ty TM XNK Thanh Lễ- phân tích: Mức chi phí kinh doanh định mức tối đa 860 đồng/lít xăng dầu chỉ có thể đảm bảo cho chi phí quản lý của DN đầu mối như hao hụt: 200 đồng/lít; chi phí quản lý và khấu hao: 300 đồng/lít tùy theo từng đặc điểm của từng DN; lãi vay ngân hàng: 250 đồng/lít… Như vậy, thù lao cho đại lý là 430 đồng/lít xăng dầu trong phạm vi 50km quá thấp, chỉ bù đắp chi phí quản lý của tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu, vì thù lao này chưa bao gồm chi phí vận chuyển từ kho của DN đầu mối đến kho tổng đại lý, đại lý.

Theo Quyền Giám đốc Công ty thương mại Dầu khí Đồng Tháp: đối với các đại lý trong phạm vi bán kính 50 km thì quy định thù lao tối đa 430 đồng/lít chỉ hòa vốn mà chưa bao gồm chi phí vận chuyển. Còn đối với quy định thù lao cho tổng đại lý, đại lý nằm ngoài phạm vi nói trên, nếu để đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho các đại lý thì thương nhân đầu mối phải xây dựng rất nhiều mức thù lao cho từng đại lý, tùy thuộc vào khoảng cự ly vận chuyển, điều này sẽ gây khó cho công tác quản lý kinh doanh xăng dầu trong điều kiện kinh doanh hiện nay, và sẽ không hạn chế được việc đẩy thù lao để tranh giành đại lý.

Đại diện cho Petrolimex, ông Phạm Đức thắng- Phó Tổng giám đốc Petrolimex- đưa ra kiến nghị: Đối với đại lý nằm trong phạm vi 50km thù lao phải gồm 2 yếu tố: thứ nhất, chi phí dành cho tổng đại lý, đại lý đã có cước vận chuyển bình quân cả năm tài chính (chưa bao gồm thuế GTGT) tối đa không vượt quá 50% chi phí kinh doanh định mức quy định từng thời kỳ; thứ hai, lợi nhuận dành cho tổng đại lý, đại lý do bên giao và nhận đại lý thỏa thuận được ghi trong hợp đồng, tối đa không vượt quá lợi nhuận định mức quy định (hiện là 300 đồng/lít). Nếu tính như vậy, thù lao dành cho đại lý có CHXD trong phạm vi 50km tối đa khoảng 730 đồng/lít, và mức thù lao này chưa bao gồm thuế.

Khống chế thù lao đại lý- nên hay không?

Đề xuất quan điểm về việc quy định thù lao cho đại lý, ông Đặng Vinh Sang- Tổng giám đốc Công ty Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) kiến nghị: Trong cơ chế kinh doanh xăng dầu hướng tới cơ chế thị trường như hiện nay, nếu cần kiểm soát mức thù lao cho đại lý thì nên thực hiện dưới hình thức quy định tổng chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức khi xác định giá cơ sở một cách công khai, minh bạch, rõ ràng cho thương nhân đầu mối. Trường hợp thương nhân đầu mối nào chi thù lao vượt khả năng quản lý (quản lý DN, hao hụt, cạnh tranh thù lao…) sẽ phải chịu lỗ, đó mới là việc thương nhân đầu mối tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị mình, đồng thời cũng hợp lý theo cơ chế thị trường.

Ông Sang cũng cho rằng, không nên gọi là “lợi nhuận định mức” mà thay tên gọi khác, ví dụ như “chi phí sử dụng vốn”.

Tại cuộc họp Tổ thị trường trong nước mới đây, ông Phan Thế Ruệ- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN- nhận xét: Thông báo 308 và Thông báo 135 của Bộ Tài chính quy định mức trích thù lao đại lý cố định cho DN là không phù hợp với Điều 8, Thông tư 36/2009/TT-BCT ban hành ngày 14/12/2009 của Bộ Công Thương về Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu. Theo Điều 8, Thông tư 36, thù lao đại lý do các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng đại lý.

Vì thế, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại mức thù lao đã quy định tại Thông báo 308 cho phù hợp với thực tế kinh doanh xăng dầu của DN, đồng thời xem xét tính hợp pháp của các nội dung tại Thông báo 308 và Thông báo 135 để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đại lý xăng dầu.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội