Đúng hướng và có trọng tâm

Đúng hướng và có trọng tâm

Thúy Hà (thực hiện)

Tạp chí Công Thương

04:38 SA @ Thứ Năm - 31 tháng 5, 2018

Khoa học công nghệ (KHCN) ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống. KHCN đang hiện hữu trong cuộc sống mỗi người dân, trong SX-KD của mỗi doanh nghiệp (DN) và nói rộng ra với cả một đất nước. Đảng và Chính phủ xác định mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đất nước. Mục tiêu này có đạt được không là ở chỗ các doanh nghiệp có làm được hay không.

Tạp chí Công Thương xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn ông Vương Thái Dũng - UV Thường vụ Đảng ủy - UV HĐQT - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) để thấy rõ thực tế công tác KHCN tại một Tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam.

Ông Vương Thái Dũng - Phó tổng giám đốc Petrolimex

PV: Thưa ông, xin ông vui lòng cho biết ý kiến của mình về vai trò của KHCN đối với sự phát triển của DN, đặc biệt là trong việc tái cấu trúc DN hiện nay?

Ông Vương Thái Dũng: KHCN là chất xám, là trí tuệ của nhân loại. KHCN luôn có vai trò quan trọng mang tính đầu tầu trong phát triển sản xuất - kinh doanh (SX-KD) của các doanh nghiệp, nền kinh tế các quốc gia.

Tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ xác định mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được trên cơ sở ứng dụng KHCN vào sản xuất-kinh doanh (SX-KD) của mỗi DN Việt độc lập hoặc trong sự hợp tác với đối tác nước ngoài.

KHCN, theo tôi, gồm 2 lĩnh vực cụ thể: Một là, khoa học quản lý/quản trị doanh nghiệp/đất nước và hai là, thiết bị công nghệ trong SX-KD.

Tại sao KHCN lại quan trọng? Bởi nó có một sức mạnh lớn lao. Nó đem lại hiệu quả kinh tế nhờ việc tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí, bảo đảm an toàn.

KHCN nó bao hàm sự tiên tiến, dẫn dắt, đi trước. Đối lập với nó (KHCN) là kinh nghiệm chủ nghĩa và lao động thủ công.

Nói về vai trò cụ thể của KHCN trong tái cấu trúc DN, tôi cho rằng nó chỉ là những câu chuyện cụ thể hơn mà thôi. Ở đó liên quan đến vấn đề định hướng cho sự phát triển có đúng không và các quyết định cụ thể có bắt nhịp kịp thời với sự phát triển của cuộc cách mạng KHCN trong nền kinh tế tri thức hiện nay hay không mà thôi.

Suy cho cùng, sự phát triển nó nằm ở chỗ quan hệ sản xuất có phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất hay không. Đây là vấn đề cơ bản của triết học và nó mang tính biện chứng.

Chúng ta đang sống ở thời kỳ của sự phát triển rất mạnh của KHCN. Bản thân mỗi DN đều đang rất nỗ lực trong sự thích ứng với sự thay đổi của thị trường để vươn lên.

Tôi cho rằng, KHCN có một vị trí rất quan trọng trong sự phát triển của DN xét từ ở cả 2 phương diện: Quản lý/quản trị DN và đầu tư thiết bị công nghệ cho SX-KD.

PV: Thưa ông, KHCN có tầm quan trọng như vậy, Petrolimex đã áp dụng KHCN vào quản lý, SX-KD của mình như thế nào?

Ông Vương Thái Dũng: Chị là nhà báo đã có nhiều chuyến đi thực tế tại các đơn vị thành viên Petrolimex - Chị biết đấy, chúng tôi tự hào mà nói rằng Petrolimex đã tiên phong trong việc ứng dụng KHCN tại các lĩnh vực khác nhau: xăng dầu, dầu mỡ nhờn, gas, tin học, v.v...

Về quản lý, quản trị DN - Petrolimex là Tập đoàn xăng dầuđầu tiêntại Việt Nam ứng dụng thành công giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Tiếp đó là ứng dụng phần mềm quản lý cửa hàng xăng dầu (Egas) - sản phẩm rất đáng tự hào của tập thể cán bộ, kỹ sư CTCP Tin học Petrolimex (Piacom).

Về SX-KD, chúng tôi cũng có rất nhiều ứng dụng KHCN trong thiết kế - chế tạo - xây dựng các công trình xăng dầu, bảo đảm an toàn xăng dầu trong quá trình tồn chứa trong kho bể - vận chuyển - xuất bán tại các cửa hàng xăng dầu, sản xuất và cung cấp dầu mỡ nhờn - gas - sơn - nước giặt Jana, v.v…

Có thể nói, trong nhiều lĩnh vực SX-KD hiện nay, về KHCN Petrolimex đang ở đẳng cấp tiên tiến trong khu vực và một số ngang tầm tiên tiến của các nước phát triển.

Sở dĩ có được thành tựu này là do cách đây 20 năm chúng tôi đã xác định mục tiêu hiện đại hóa cơ sở vật chất. Tập đoàn (lúc bấy giờ còn là Tổng công ty hạng đặc biệt, DNNN 100%) đã xây dựng 1 đề án chuyên sâu về lĩnh vực này và chúng tôi đã từng bước đi vững chắc với lộ trình phù hợp để hiện thực hóa đề án đó.

Ví như chương trình hiện đại hóa đội tàu chở dầu viễn dương nay đã trở thành một Tổng công ty PGT với tầu chở dầu Văn phong 1 lớn nhất Việt Nam, dầu nhờn trở thành một Tổng công ty PLC với sản phẩm hàng đầu Việt Nam ngang tầm thế giới, cột bơm Tatsuno do chúng tôi sản xuất trên cơ sở chuyển giao công nghệ của Nhật Bản, v.v…

Hiện tại, chúng tôi đang triển khai thử nghiệp công nghệ sản xuất bể 2 lớp (cũng theo công nghệ Nhật Bản chuyển giao) và đang thực nghiệm để áp dụng đồng bộ hệ thống chữa cháy cố định tại cửa hàng xăng dầu.

Trong KHCN, bên cạnh việc tiếp thu các thành tựu của thế giới, đội ngũ kỹ sư Petrolimex cũng có nhiều đóng góp quan trọng với các kết quả đã được nghiệm thu, ứng dụng trong các lĩnh vực chống tràn dầu, khắc phục sự cố tràn dầu, chống bay hơi xăng dầu, chống tĩnh điện trong quá trình nhập xuất xăng dầu, ứng dụng từng bước tự động hóa và tin học vào quá trình nhập - xuất - giao nhận xăng dầu bảo đảm an toàn, đo đếm chính xác, nâng cao năng lực xuất nhập xăng dầu và năng suất lao động; thủ tục chứng từ và số liệu nhanh hơn, chính xác hơn,… từ đó góp phần tạo nên hiệu quả SX-KD.

Việc ứng dụng KHCN tại Petrolimex cũng từng bước góp phần xây dựng đội ngũ người lao động có trình độ tri thức ngày càng cao cùng với văn hóa “trách nhiệm - nhiệt huyết - lạc quan - tin cậy” đang nỗ lực xây dựng Petrolimex thành Tập đoàn kinh tế mạnh và năng động.

PV: Trong những năm qua, Tập đoàn đã đầu tư như thế nào cho đổi mới KHCN, đầu tư trang thiết bị tiên tiến vào kinh doanh xăng dầu?

Ông Vương Thái Dũng: Chị biết đấy, kinh doanh xăng dầu là một ngành thương mại dịch vụ nhưng có điều kiện bởi đặc thù xuyên suốt quá trình tồn chứa - xuất/nhập - lưu thông là phải bảo đảm an toàn về cháy nổ, giảm bay hơi tự nhiên làm hao hụt và ảnh hưởng đến môi trường không khí.

Ý thức được tầm quan trọng đó và nhằm mục tiêu hiện đại hóa, trong những năm qua Petrolimex đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trong lĩnh vực này.

Các lĩnh vực chuyên ngành khác của Petrolimex thì phát triển theo cách “đi tắt đón đầu” về KHCN nên đã và đang đạt được những thành tựu rất quan trọng cho sự phát triển mà chị đã phản ảnh tại các bài “Dầu nhờn Petrolimex - niềm tự hào của Petrolimex”, “PCC-1: Con chim đầu đàn Petrolimex trong lĩnh vực xây lắp”, …

Có thể nói: Các hoạt động đầu tư KHCN của chúng tôi đều đúng hướng, phát huy được hiệu quả trong SX-KD. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Tập đoàn luôn quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến/giải pháp ứng dụng vào SX-KD, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn môi trường, an toàn cho người lao động trực tiếp,... đem lại các hiệu quả thiết thực cho DN.

PV: Đối với yêu cầu lập Quỹ KHCN của DN, Tập đoàn đã và đang triển khai như thế nào? Những khó khăn thuận lợi trong quá trình thành lập và triển khai Quỹ?

Ông Vương Thái Dũng: Hiện tại, Tập đoàn chúng tôi chưa hình thành quỹ đầu tư KHCN như là một quỹ riêng.

Căn cứ kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn theo chiến lược phát triển Petrolimex, hàng năm, Tập đoàn xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể trong đó ưu tiên các công trình, dự án có hàm lượng cao về KHCN để thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp theo chiều sâu.

PV: Vâng, trân trọng cảm ơn Ông!

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội