Con đường đến với Vài Thai

Con đường đến với Vài Thai

Nông Thị Bạch Diệp

07:38 SA @ Chủ Nhật - 22 tháng 1, 2017

Khi đến, đón chúng tôi là những gương mặt ngây thơ, tuy lấm lem bụi bẩn nhưng vẫn ngời vẻ hồn nhiên, trong trẻo. Đọng lại trong tôi không phải là cảnh núi đồi hiểm trở, không phải là ruộng đất khô cằn mà là những đôi mắt ngời sáng tương lai, những nụ cười tràn đầy hy vọng.

Hành trình từ trái tim

Đầu tháng 12 vừa rồi, chúng tôi - thanh niên Chi đoàn Công ty Xăng dầu Cao Bằng (Petrolimex Cao Bằng) và thanh niên Chi đoàn Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Cao Bằng lên đường đến với các em học sinh điểm trường chính của Trường Tiểu học Yên Sơn và Phân trường Vài Thai.

Từ TP. Cao Bằng vượt qua gần 60km đường đèo, dốc chúng tôi đến thị trấn Thông Nông (huyện Thông Nông), sau đó đến với xã Yên Sơn. Trường Tiểu học Yên Sơn tuy cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư xây dựng tương đối khang trang, nhưng các em nhỏ ở đây vẫn bộn bề những khó khăn, có những em hàng ngày phải đi bộ gần 4 km đường đồi núi mới đến trường. Những món quà chúng tôi mang theo gửi đến các em tuy không lớn nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được sự phấn khởi, vui mừng của các em. Những đôi mắt và những nụ cười thật ấm áp, thật hồn nhiên như cuộc sống chẳng có gì vướng bận. Sau khi trao quà cho các em nhỏ, giao lưu gặp gỡ với các thầy cô giáo, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Và, nơi chúng tôi đến tiếp theo là Phân trường Vài Thai.

Từ điểm chính của Trường Tiểu học Yên Sơn, chúng tôi vẫn được ngồi xe ô tô thêm 4km nữa và rồi xe dừng lại tại chân một ngọn núi. Từ đây chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi bộ để đến với Vài Thai.

Trao gửi yêu thương

Khi bắt đầu cuộc hành trình đến Phân trường Vài Thai, chúng tôi ai cũng phấn khởi vì sắp được mang những phần quà đến với các em học sinh nơi đây. Thế nhưng, càng leo lên núi chúng tôi lại càng thấy Phân trường xa vời vợi. Đồng hành cùng chúng tôi là các bậc phụ huynh của các em học sinh dân tộc Dao, cứ đi được một đoạn chúng tôi lại bập bẹ vài câu tiếng Tày để hỏi họ xem sắp đến nơi chưa??? - Nhưng, câu trả lời chúng tôi nhận được chỉ là "dằng thâng nao", "nhằng quây lai" có nghĩa là "chưa đến đâu", "còn xa lắm".

Cứ thế, chúng tôi vừa đi vừa động viên nhau vừa đi. Nhưng khi leo lên đỉnh núi này, nhìn ra xa, chúng tôi lại thấy các bậc phụ huynh đi cùng đang leo lên đỉnh núi khác. Và rồi, sau hơn 2 tiếng đồng hồ đi bộ, sau bao nhiêu lần chinh phục các đỉnh núi (khoảng 7 - 8 đỉnh núi gì đó) và sau rất nhiều lần chiếc áo đang mặc ướt rồi khô thì chúng tôi cũng đến nơi.

Phân trường Vài Thai nằm trong một thung lũng nhỏ, xung quanh là những ngọn núi cao với những phiến đá lởm chởm. Gọi là phân trường nhưng thực tế đó chỉ là một dãy nhà cấp 4 gồm 5 gian bao gồm cả lớp học và nơi sinh hoạt của các thầy cô giáo. Thầy cô là những giáo viên đến từ nhiều địa phương trong Tỉnh, và để đến được với Vài Thai thì các thầy cô phải trải qua con đường gập ghềnh, khúc khuỷu với mặt đường đầy sỏi đá, một bên là núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Trong mắt chúng tôi, những thầy cô nơi đây chính là những người hùng, những người đã chấp nhận bỏ lại nhịp sống văn minh, náo nhiệt nơi thành thị, để đến một nơi núi rừng hiểm trở, chấp nhận một cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, để gieo con chữ cho các em học sinh nơi đây.

Cuộc sống trên núi cao - cái khổ nhất là không có nước. Nước sinh hoạt được tích trữ từ những cơn mưa và mọi người phải tiết kiệm từng giọt một, dùng nước rửa rau xong để dành rửa chân tay, rửa chân tay và sau nữa lại dùng nước đó để chăn nuôi gia súc hoặc tưới rau. Nơi đây chỉ sẵn đá và núi, đất đai bạc màu xen kẽ những mỏm đá lô nhô, cây cối cằn cỗi. Cây lương thực duy nhất chỉ là ngô.

Khi chúng tôi đến, đón chúng tôi là những gương mặt ngây thơ, tuy lấm lem bụi bẩn nhưng vẫn ngời vẻ hồn nhiên, trong sáng. Những đôi mắt trong veo lúc đầu còn dè dặt nhìn chúng tôi nhưng sau một hồi trò chuyện, các em trở nên tự nhiên và thân thiện vô cùng. Các em kể rất nhiều chuyện thú vị, từ chuyện ăn, chuyện ở, chuyện vui đùa cùng nhau. Nghe chuyện của các em, tôi như quên hết mệt mỏi và cảm thấy cuộc sống nơi đây tuy khắc nghiệt là vậy nhưng vẫn thật tươi đẹp làm sao. Đặc biệt, tôi cảm nhận sự yêu thương tràn đầy trong giọng nói của các em khi nhắc đến các thầy cô. Không yêu thầy, yêu cô sao được khi các thầy cô chính là những người cha, người mẹ thứ hai chăm sóc, dạy dỗ các em hàng ngày.

Do đường xa, đi lại khó khăn nên thời gian chúng tôi lưu lại không nhiều, chỉ tranh thủ trao quà cho các em học sinh xong, ăn vội nắm cơm rồi lại quay trở về luôn. Quà chúng tôi mang theo là những đồ dùng thiết yếu hàng ngày như gạo, chăn ấm, bột giặt, bánh kẹo… Những phần quà không lớn nhưng chắc sẽ phần nào giúp các em thêm động lực phấn đấu, học tập tốt hơn. Chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng để lại thật nhiều cảm xúc. Đọng lại trong tôi không phải là cảnh núi đồi hiểm trở, không phải là ruộng đất khô cằn mà là những đôi mắt ngời sáng tương lai, những nụ cười tràn đầy hy vọng.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội