Trân trọng quá khứ để tiến xa hơn

Trân trọng quá khứ để tiến xa hơn

Thúy Hà (thực hiện)

Tạp chí Công Thương

10:30 SA @ Thứ Bảy - 25 tháng 1, 2014

Tiến sĩ Bùi Ngọc Bảo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ cùng Tạp chí Công thương về sức mạnh làm nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Petrolimex - một tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam đang trên đà hội nhập.

Trân trọng quá khứ hào hùng

PV. Nhân dịp xuân về và cũng là dịp kỷ niệm 58 năm ngày thành lập Petrolimex ông có thể chia sẻ điều gì về chặng đường đã qua của Tập đoàn?

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Petrolimex

Tiến sĩ Bùi Ngọc Bảo: Ngày 12.01.2014 Petrolimex tròn 58 tuổi. 58 năm qua, có thể nói, Petrolimex đã trải qua nhiều thăng trầm cùng đất nước. Đó là một quá khứ hào hùng. Sự phát triển của Petrolimex có được như này hôm nay là trên nền tảng vững chắc do công sức của rất nhiều các anh lãnh đạo, CBCNV-NLĐ lớp lớp các thời kỳ gây dựng lên.

Lịch sử hình thành và phát triển Petrolimex gắn liền một cách chặt chẽ máu thịt với lịch sử phát triển của đất nước.

Về thời kỳ thứ nhất, có rất nhiều tư liệu hình ảnh, bài viết, cuốn sách, thước phim tư liệu quý báu về giọt xăng - “giọt máu”, về Petrolimex của giai đoạn lịch sử hào hùng này. Ngay tại trụ sở của chúng tôi tại số 1 Khâm Thiên thì có Bia tưởng niệm cố Tổng giám đốc - Liệt sĩ Phạm Văn Đạt hy sinh ngày 26.12.1972.

Giọt xăng nhận từ các nước trong khối xã hội chủ nghĩa (chủ yếu là từ Liên Xô cũ) lúc bấy giờ phải vượt qua biết bao chặng đường gian nan, hiểm trở mới đến được với Việt Nam. Cảng biển thì bị phong tỏa ngư lôi, trên đất liền thì ngày đêm bị oanh tạc, đánh phá. Thế mà xăng dầu của ta vẫn ra chiến trường, góp phần làm nên đại thắng Mùa xuân năm 1975. Đã có nhiều cách làm sáng tạo: Thả phuy xăng chảy theo dòng suối, thồ/gùi nào cõng xăng ra chiến trường. Hiện đại nhất, huyền thoại nhất là xăng dầu theo đường ống dã chiến vượt hàng nghìn km vào chiến trường. Tuyến đường ống dã chiến này do Đoàn 559 thực hiện có sự chung tay góp sức của CBCNV-NLĐ ngành Xăng dầu Việt Nam. Đây là những năm tháng khó khăn nhưng hào hùng của cả dân tộc ta. Đó là nói về thời kỳ từ năm 1956 đến năm 1975.

Sau chiến tranh thì chúng ta xây dựng lại đất nước. Tư duy kinh tế lúc bấy giờ theo mô hình kế hoạch hóa tập trung cao độ. Xăng dầu nhập khẩu 100% theo hiệp định liên Chính phủ. Cấp phát xăng dầu trong nước thực hiện bằng chỉ tiêu pháp lệnh.

Nhiều lãnh đạo cùng CBCNV-NLĐ Petrolimex lúc bấy giờ chủ yếu chuyển từ quân đội sang, từ thanh niên xung phong về. Nhiệm vụ của Petrolimex lúc bấy giờ chính trị là chủ yếu, vừa pháp lệnh vừa y như quân đội. Hoạt động xăng dầu có tính kỷ luật cao.

Đây cũng là giai đoạn hình thành các chuẩn mực. Ví như cơ sở vật chất xăng dầu, chúng ta cũng có 2 hệ thống: ở miền Bắc theo tiêu chuẩn Liên Xô, ở miền Nam của các hãng cũ. Nghiên cứu để quản lý, vận hành; đồng thời, để xây dựng các quy chuẩn, để nhất thể hóa. Nếu không có trình độ kiến thức - không thể làm nổi.

Rồi khi không còn hiệp định liên chính phủ nữa, chúng ta chuyển sang nhập khẩu xăng dầu từ “thị trường 2”( cách gọi các nước ngoài khối XHCN lúc bấy giờ) . Xăng dầu họ có đó, nhưng họ không bán chịu. Chúng ta thì không có ngoại tệ mạnh. Ngay cả việc cách thức đàm phán, ký kết hợp đồng, thanh toán,v.v… cũng là những quy chuẩn khác.

Một sáng kiến đã được Chính phủ chấp thuận: Các doanh nghiệp xuất khẩu có ngoại tệ thì được Chính phủ cấp quyền nhập khẩu xăng dầu rồi ủy thác Petrolimex nhập khẩu, trả cho họ những lợi ích nhất định theo hợp đồng kinh tế.

Đây là giải pháp tình thế tuyệt vời, một quyết định sáng suốt để chúng ta vượt nguy (không phải là “khó” mà là “nguy”), để có đủ xăng dầu cho đất nước. Nếu không có xăng dầu thì các hoạt động sẽ bị ách tắc, đình trệ.

Nền kinh tế nhiều thành phần cũng ra đời trong giai đoạn này, từng bước tạo lập nên các thành tố sơ khai cho nền kinh tế thị trường sau này. Thật là dễ hiểu khi các chính sách của chúng ta phải có lộ trình để phù hợp với thực tế. Còn cái đích của chúng ta rõ ràng là phải thị trường. Không ai có thể đứng ngoài quy luật cả.

Ở một góc nhìn khác, chúng tôi đánh giá rằng: Đây cũng là thời điểm vàng để Petrolimex bứt phá tiến lên. Trước hết là từ công tác cán bộ. Một thế hệ cán bộ mới được hình thành từ nhiều nguồn tốt nghiệp các trường đại học trong nước và ở nước ngoài. Họ được giao nhiệm vụ đúng chuyên ngành, được lăn lộn với thực tế khó khăn và trưởng thành cũng chính từ đó.

Giai đoạn này cũng là giai đoạn phôi thai của sự đa ngành. Nhiều ngành nghề Petrolimex hiện nay trở thành Tổng công ty đã bắt đầu từ những công xưởng đơn sơ với nhiệm vụ cấp bách là tận dụng được các loại dầu thải, sản xuất được các loại dầu phổ thông nhất. Nếu không có dầu mỡ nhờn thì máy móc thiết bị không thể vận hành được. Toàn sắt thép mà trơn tru được như thế là nhờ ở dầu nhờn, mỡ máy rất nhiều các chủng loại.

Từ năm 1995 nhiệm vụ bảo đảm xăng dầu các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được Chính phủ giao Petrolimex trực tiếp đảm nhiệm. Petrolimex được xếp hạng doanh nghiệp đặc biệt.

Trước đó, nhiệm vụ này được giao cho công ty vật tư tỉnh. Đây là một gánh nặng được đặt lên vai Petrolimex đúng thời điểm, đúng người - đúng việc. Từ đây, tính thống nhất và cách làm bài bản, chuyên nghiệp của Petrolimex hình thành.

Sự phát triển đó, những cung chặng đó - nó là cái lịch sử, của bối cảnh đó. Nó không phụ thuộc vào ai cả trong vấn đề tổ chức và lãnh đạo của Petrolimex. Đó là nhà nước và đó là Petrolimex.

Xuyên suốt cả 3 thời kỳ trên nổi bật lên là tinh thần “trách nhiệm - nhiệt huyết - lạc quan - tin cậy” của Petrolimex đối với đất nước. Đó chính là giá trị cốt lõi của Petrolimex mà ngày nay chúng tôi đang thừa hưởng để tiến xa hơn.

Petrolimex - công ty cổ phần đại chúng minh bạch, Tập đoàn kinh tế có trách nhiệm

PV. Petrolimex trưởng thành từ muôn vàn khó khăn, phát triển từ khó khăn đó với tầm nhìn định hướng dài hạn và luôn mang tính kế thừa, vậy sự kế thừa đó phát huy như thế nào ở thời điểm này?

Tiến sĩ Bùi Ngọc Bảo: Từ doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt, ngày 01.12.2011 Petrolimex đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần đại chúng. Từ thị phần 100% về xăng dầu đã chủ động giảm dần để tạo lập thị trường, đến nay thị phần Petrolimex chỉ còn khoảng 48-50%. Hiện tại hệ thống bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm khoảng 30%, số còn lại là của tư nhân, của các thành phần kinh tế khác. Tỷ trọng đó của Petrolimex thì ít hơn, vào khoảng 20%.

Nếu nói tròn số thì số lượng cửa hàng bán lẻ của Petrolimex là 2.000 cửa hàng. Điều đáng nói là nó phân bổ đều khắp trên 63 tỉnh, thành phố; từ vùng thị trường thuận lợi cạnh tranh đến vùng xa xôi hẻo lánh nhất - nơi mà xăng dầu và muối là những mặt hàng dân sinh thiết yếu nhất, nó bao hàm cả ý nghĩa chính sách về mặt xã hội.

Đưa xăng dầu ngược núi thì rõ ràng là gian nan rồi, hiệu quả kinh tế không thể cao bằng so với kinh doanh ở các thành phố lớn. Nhưng đấy là Petrolimex. Cũng chính vì thế mà chúng tôi được dân tin, dân yêu.

Petrolimex là vững vàng. Giảm thị phần ở trong nước, chúng tôi vươn ra kinh doanh nước ngoài. Trước mắt ở các nước khu vực như Lào, Campuchia, Singapore; rồi từ đó vươn xa hơn, ra các nước khác trên thế giới với hình thức kinh doanh chuyển khẩu, buôn bán quốc tế.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang chuyển dịch trung tâm xăng dầu từ ngoài nước về Việt Nam với việc xây dựng Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong.

Cái này có tầm nhìn chiến lược, dài hạn; không riêng cho Petrolimex mà còn ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Không thể không dành cho an ninh năng lượng một sự chú trọng đủ mức cần thiết, thích đáng xét từ phương diện một quốc gia.

Petrolimex là vững vàng và định hướng tốt. Mà định hướng thì không phải ngày một ngày hai mà có. Định hướng của Petrolimex bao giờ cũng thể hiện định hướng của Chính phủ, của trách nhiệm các thế hệ lãnh đạo Petrolimex.

Đó là nói về xăng dầu - mặt hàng chủ lực mà Petrolimex vẫn tiếp tục là trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước ngay cả trong bối cảnh nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đã vận hành hết công suất.

Bên cạnh đó, Petrolimex có những ngành hàng khác quy mô toàn quốc với các hàng hóa, dịch vụ đã ăn sâu vào tâm thức người tiêu dùng: Dầu nhờn Petrolimex, Gas Petrolimex có hệ thống phân phối lớn, tổ chức kinh doanh bài bản với tính chuyên nghiệp cao.

Các Tổng công ty này không chỉ đơn thuần là “thương mại dịch vụ” mà còn trực tiếp sản xuất nữa. Các loại dầu nhờn Petrolimex do Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) sản xuất tại Thượng Lý (Hải Phòng) và Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) có chất lượng như các hãng dầu nhờn hàng đầu thế giới, được nước ngoài công nhận - đó là một thực tế. Rồi vận tải biển, Tổng công ty Vận tải thủy (PG Tanker) có đội tầu dầu mạnh nhất Việt Nam. Rồi Bảo hiểm Pjico, Ngân hàng PG Bank, … đang phát triển với sự khác biệt, phát huy lợi thế so sánh, có mũi nhọn để vươn lên đứng đầu trong lĩnh vực đó.

Một số lĩnh vực mũi nhọn Petrolimex cũng ở vị trí hàng đầu ví như xây lắp thiết kế. Công ty cổ phần Xây lắp I (PCC-1) gắn liền với công trình lịch sử “B12” (tuyến ống xăng dầu), Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Petrolimex (PEC) trước đây là Viện Thiết kế các công trình xăng dầu trực thuộc Bộ Vật tư, . Có thể quy mô các đơn vị này chưa phải là to lớn nhất; nhưng xét về độ tiên phong, hiện đại, chuyên nghiệp và sản phẩm của nó thì rõ ràng là ở vị trí hàng đầu.

Chính vì thế, năm 2013 là năm khó khăn (ở đáy khủng hoảng), chúng tôi vẫn hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông giao. Đấy là nói về tổng thể, về hợp nhất kế toán, ngành nọ bù ngành kia; và đương nhiên là nó là kết quả của việc thực thi quyết liệt rất nhiều giải pháp: Tiết kiệm, thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khác của Petrolimex,…. Riêng xăng dầu thì Quý I và Quý IV coi như hòa vốn, dù nhiều thời điểm lợi nhuận định mức Nghị định 84 quy định 300 đồng/lít bị tiết giảm hoặc bị cắt như hiện nay chẳng còn đồng nào.

Nói về nền kinh tế thì nó bị ảnh hưởng chung thôi. Kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng, chưa phục hồi. Nói ngay xăng dầu là ví dụ cụ thể nhất. Suốt các năm 1990-2000 mức tăng trưởng xăng dầu luôn là 2 con số. Năm 2013 chỉ có bán lẻ cho tiêu dùng nhỏ lẻ là tăng trưởng bởi đó là cái thiết yếu. Còn bán buôn cho các hộ tiêu dùng công nghiệp thì giảm mạnh. Điều đó cho thấy sản xuất của chúng ta còn khó khăn, chưa phục hồi. Theo đó, luân chuyển hàng hóa cũng giảm theo. Xuất khẩu xăng dầu (tạm nhập - tái xuất) sang các nước chung đường biên giới bộ cũng giảm mạnh.

Trong khó khăn đó, điểm sáng của chúng ta là chính sách tiền tệ ổn định. Ổn định tỷ giá, lãi suất và kiềm chế lạm phát; niềm tin của người tiêu dùng đang tốt lên. Điều này nó tương tác lẫn nhau. Nhờ ổn định tỷ giá mà kinh doanh xăng dầu không bị cú sốc tỷ giá. Ai cũng biết khi đồng nội tệ mất giá hoặc phá giá thì có lợi cho xuất khẩu nhưng không có lợi cho nhập khẩu. Mà xăng dầu của chúng ta, hiện tại nhập khẩu vẫn là chủ yếu. Bên cạnh đó, sự kiềm chế lạm phát không thể không nói đến công của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Nói như vậy mới là công bằng, khách quan.

Năm 2013 cũng là năm ngân sách khó khăn. Petrolimex nộp thuế đầy đủ, đúng hạn, ở mức lớn. Đó là luật nhưng cũng cần sự tự giác và ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong khó khăn thì sự chung sức đồng lòng càng trở lên quan trọng, có ý nghĩa. Nói về nộp ngân sách, chúng tôi đóng góp khoảng 5%, còn nếu nói toàn ngành xăng dầu, theo tôi, ở mức 10% .

Petrolimex - để tiến xa hơn

PV - Slogan của Petrolimex là “để tiến xa hơn”. Petrolimex sẽ làm gì để tiến xa hơn và cụ thể các ông sẽ làm gì trong năm 2014, 2015 và các năm tiếp theo?

Tiến sĩ Bùi Ngọc Bảo: Năm 2014, 2015 Petrolimex tiếp tục hiện thực hóa kế hoạch 5 năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1117. Tất nhiên, giữa nhiệm kỳ thì chúng tôi có những rà soát, đánh giá lại; đặc biệt là những thực tế khách quan để có các hiệu chỉnh phù hợp. Phải “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Không thể cứng nhắc hoặc tùy tiện trong vấn đề chiến lược, dài hạn. Dự án lọc dầu sẽ tiếp tục tìm kiếm để thúc đẩy nhanh.

Bên cạnh tái cấu trúc cho nhỏ gọn hơn nhưng hiệu quả hơn, thì tập trung phát hành cổ phiếu theo lộ trình đã xác định là đến hết 2015 sẽ phát hành thêm 20% nữa để giảm thị phần của nhà nước còn 75%; tăng tính công chúng cho doanh nghiệp, trở thành đại chúng thực sự.

Nội bộ Petrolimex thì tập trung phát triển mạnh các đường hướng, ngành hàng đã rõ nét, đang đi lên; nền tảng của nó là phát huy tính hệ thống - đặc trưng sức mạnh Petrolimex. Tiếp theo dự án ERP (quản trị nguồn lực doanh nghiệp) thì hoàn thành Egas (Phần mềm quản lý cửa hàng xăng dầu) trong năm 2014. Petrolimex là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng giải pháp tiên tiến nhất trong quản trị doanh nghiệp với độ chính xác cao và tức thì. Nhiều bài toán quản lý, dự báo sẽ do các công cụ này giải quyết, như vậy nó sẽ có cơ sở để quyết định các vấn đề đặt ra.

Ngay từ bây giờ Petrolimex đã phải nghiên cứu các công việc cho nhiều năm tiếp theo, như: Đưa Ethanol vào lưu thông theo lộ trình Chính phủ (tất nhiên cái này còn phải kiến nghị thêm) để bảo đảm tiêu dùng cây sắn cho nông dân, xu hướng tiêu dùng của phương tiện vận tải hàng hóa và phương tiện cá nhân cũng sẽ thay đổi. Xe tải thì dùng khí tự nhiên lỏng (LNG) thay cho điêzen, xe hơi thì lai điện (Hybrid), … hệ thống cửa hàng xăng dầu Petrolimex hiện nay sẽ phải bắt nhịp được sự thay đổi đó để phát triển. Trước mắt, tập trung gia tăng các dịch vụ hài lòng khách hàng tại cửa hàng: đa dạng hóa hàng hóa Petrolimex (dầu mỡ nhờn, gas, sơn, bảo hiểm, thanh toán bằng thẻ (Flexicard), chuyển tiền nhanh (Flexipay),… tới các dịch vụ khác theo motiv của nước ngoài (phục vụ các thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khác cho người tiêu dùng). Đương nhiên là phải tạo lập bằng được sự khác biệt về nhận diện Petrolimex với tính nhất thể hóa cao. Thương hiệu là khoa học, là minh bạch cho mình và góp phần minh bạch thị trường xăng dầu tại Việt Nam.

Phải tiến lên, phải nỗ lực nhưng với tầm nhìn dài hạn mang tính thực tiễn. Tôi mong rằng Năm mới tất cả chúng ta, đất nước ta đều tiến lên, mã đáo thành công.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội