Chính phủ giải đáp những bức xúc của nhân dân

Chính phủ giải đáp những bức xúc của nhân dân

Thu Hường (lược ghi)

12:14 CH @ Thứ Ba - 07 tháng 8, 2012

Hôm qua (5/8), tham gia chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (ảnh) đã thẳng thắn trả lời hàng loạt vấn đề mà người dân đang quan tâm như: khó khăn hiện thời của nền kinh tế, tình hình doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu của ngân hàng, đời sống người dân khó khăn do giá các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng, công tác bổ nhiệm cán bộ… Những câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã làm rõ hơn những định hướng về điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ trong thời gian qua.

Kinh tế tăng trưởng chậm lại nhưng chưa bị suy thoái

Trả lời câu hỏi về đánh giá thực trạng của của nền kinh tế nước ta, Bộ trưởng Vũ Đức Đam thừa nhận, kinh tế nước ta đang ở trong giai đoạn có nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp (DN) đang có nhiều khó khăn do hàng tồn kho tăng cao, DN khó vay được vốn, lãi suất vẫn cao... Bên cạnh đó, đời sống nhân dân vẫn còn chưa được cải thiện rõ rệt.

Theo định nghĩa được công nhận trên thế giới thì nền kinh tế chỉ bị coi là suy thoái khi tăng trưởng GDP bị âm trong hai quý liên tiếp. Vì vậy, Bộ trưởng Vũ Đức Đam không đồng tình với ý kiến đánh giá cho rằng, hiện nay nền kinh tế đã rơi vào giảm phát và suy thoái kép. “Tăng trưởng kinh tế cần được đánh giá nhìn nhận theo quý. Ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với những năm trước đây và thấp hơn so với kế hoạch nhưng tính chung tốc độ tăng trưởng kinh tế các quý hiện vẫn là tăng trưởng dương, trong đó, quý I tăng 4%, quý II nhích lên trên 4%. Vì vậy, có thể đánh giá là kinh tế đã tăng trưởng chậm lại nhưng chưa bị suy thoái”.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng tăng trưởng âm không có nghĩa là nền kinh tế có nguy cơ bị giảm phát. Lạm phát lý tưởng là từ 2 - 3%. Ở nước ta, CPI âm nhưng nếu loại trừ yếu tố lương thực và xăng dầu thì vẫn là dương, từ 6 - 7%. Với nước ta, Chính phủ phải đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý vì nếu lạm phát quá cao, để có lãi suất thực dương, ngân hàng phải đẩy lãi suất lên cao thì DN, do phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, khi nền kinh tế đã hội nhập, nếu DN nước ta phải vay lãi suất cao hơn DN các nước khác thì sẽ rất khó cạnh tranh. Vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp để giảm dần mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn phải đa đạng các nguồn vốn cho DN, như huy động vốn qua thị trường chứng khoán để giúp DN giảm dần phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

Trước những lo ngại của người dân về vấn đề nợ xấu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam làm rõ: Chính phủ sẽ minh bạch mức nợ xấu của các ngân hàng để người dân được biết. Các số liệu nợ xấu ở nước ta còn khác nhau là do các nguồn đánh giá khác nhau, thời điểm đánh giá khác nhau và tiêu chí xếp hạng nợ xấu khác nhau. Hiện nay, nợ xấu đang có xu hướng gia tăng thì cần có biện pháp tập trung giải quyết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, không phải tất cả nợ xấu là nợ không thu hồi được và Chính phủ sẽ không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Nhà nước cam kết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân gửi tiền tại các ngân hàng thương mại. Chính phủ cũng sẽ không dùng tiền ngân sách, tức là tiền thuế của dân để cứu các DN như một số ý dư luận có nêu.

Việc Chính phủ đã điều hành để kéo giảm lạm phát, hạ dần mặt bằng lãi suất về mức như hiện nay là một trong những thành công của điều hành kinh tế của nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, việc “điều trị bệnh” lạm phát có thể có những phản ứng phụ nhưng chúng ta phải kiên trì. “Song song với kiềm chế lạm phát, Chính phủ phải phấn đấu duy trì tăng trưởng kinh tế. Vì nếu kinh tế không tăng trưởng được thì lao động thất nghiệp gia tăng, an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, năm 2012 này, Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát phải xuống dưới một con số và trong những năm tiếp theo, lạm phát sẽ ở mức dưới 5% thì kinh tế Việt Nam mới có thể tăng trưởng ổn định và vững chắc”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Chỉ có 20% doanh nghiệp nhà nước không có lãi

Trước những ý kiến của người dân về vai trò và hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ trưởng Vũ Đức Đam chia sẻ: Cần thống nhất quan điểm là nước nào cũng có DNNN. Và không phải mọi DNNN đều làm ăn thua lỗ và đều là gánh nặng cả.“Ở nước ta, hiện có 1.300 DNNN, trong đó có 11 tập đoàn, 11 tổng công ty 91 và 80 tổng công ty 90. Trong số các DNNN thì đến nay, chỉ có 20% là hoạt động không có lãi so với mức 60% không có lãi trước đây. Tức là trước khi thực hiện đổi mới, sắp xếp DNNN thì có tới 60% DNNN làm ăn không lãi. Nhưng hiện nay chỉ còn 20% DNNN là không có lãi và tới đây sẽ tiếp tục cổ phần hóa và đổi mới, sắp xếp để nâng cao hiệu quả DNNN.

Thực tế đã có rất nhiều ví dụ về DNNN hoạt động hiệu quả, như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Tập đoàn này không những đã phát triển thành công ở thị trường trong nước mà còn cạnh tranh, phát triển mở rộng ở thị trường thế giới, kể cả những nước phát triển.

Giá điện, giá xăng dầu đang bán thấp hơn các nước

Khẳng định việc giá điện đang bán dưới giá thành, Bộ trưởng Vũ Đức Đam phân tích: Có thể hình dung là để làm ra 1 kWh điện thì chúng ta đang tiêu tốn hết 10 đồng nhưng lại chỉ bán điện dưới 10 đồng. Và mức 10 đồng này cũng là mức chung của thế giới, chứ không phải giá thành sản xuất điện của chúng ta cao hơn các nước- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chính phủ cũng đã kiểm tra và thấy rằng, giá bán điện của chúng ta đang thấp hơn mức bình quân của thế giới và thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực. “Chúng ta đang bán dưới giá thành và giá thành cũng không cao hơn thế giới nên việc tăng giá điện là hết sức bình thường. Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang bị lỗ có nguyên nhân do quản trị DN nhưng chủ yếu là do giá điện đang bán dưới giá thành”, Bộ trưởng cho biết.

Việc giá điện bán dưới giá thành, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển của EVN mà còn ảnh hưởng đến việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế. Bởi, trong 5 năm tới, nước ta cần 500.000 tỷ đồng để đầu tư vào ngành điện. Do ngân sách nhà nước không thể lo được số tiền trên mà cần huy động vốn đầu tư từ bên ngoài. Nhưng, với giá điện thấp và thấp hơn thế giới như hiện nay thì sẽ rất khó thu hút đầu tư. Chưa kể, việc giá điện thấp còn khiến cho nền kinh tế phát triển không đúng hướng, không thúc đẩy DN đổi mới công nghệ hiện đại, giảm tiêu hao năng lượng.

Do đó, khi thực hiện theo nền kinh tế thị trường thì tất cả các mặt hàng như điện, xăng dầu... cần thực hiện theo giá thị trường. Bộ trưởng cũng khẳng định, trong những khoản lỗ treo của ngành điện hiện nay không có các khoản lỗ do EVN đầu tư ngoài ngành. Trường hợp đầu tư ngoài ngành như EVN Telecom không tính vào khoản lỗ hiện nay của ngành điện. Số lỗ của ngành điện hiện nay chủ yếu là do bán dưới giá thành.

Cũng tương tự như giá điện, giá xăng dầu cũng đang bán thấp hơn các nước. Có thể thấy rõ là do giá thấp nên việc xuất lậu xăng dầu sang nước xung quanh vẫn diễn ra. Vì thế, cũng cần có lộ trình để điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thị trường. Theo Bộ trưởng, vì giá xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành kinh tế nên cần có các công cụ như quỹ bình ổn, thuế... điều chỉnh để giá không biến động hàng ngày.

Không riêng Việt Nam, các nước đều có cơ chế để khi giá tăng quá nhanh ngoài sức chịu đựng thì có các biện pháp phù hợp. Giá xăng dầu hiện nhà nước vẫn đang thông qua DN để hỗ trợ người dân nhưng sự hỗ trợ này sẽ phải giảm dần trong thời gian tới đây. Nhưng cũng không nên hiểu, là khi đã giao quyền định giá cho DN thì họ muốn tăng ra sao cũng được. “DN xăng dầu chỉ được tự chủ trong một số điều kiện nhất định và tăng giảm dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cho rằng, cần phải công khai, minh bạch chuyện lãi lỗ và mỗi khi điều chỉnh giá các mặt hàng liên quan đến nhiều người dân như giá điện, giá xăng dầu... thì phải giải thích để người dân đồng tình.

Điều chỉnh để giá viện phí phù hợp hơn

Viện phí năm 2006 đã điều chỉnh nhưng cơ bản viện phí hiện nay theo mức của năm 1999 nên theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, viện phí hiện nay không đủ để chi phí cho người bệnh. Viện phí thấp là nguyên nhân dẫn đến nhiều bất cập, trong đó có chất lượng của các bệnh viện. Chính phủ dựa vào thực tiễn của ngành y tế đã cho ngành y tế điều chỉnh giá viện phí. Bên cạnh việc tăng giá viện phí thì cũng cần phải tăng mức đóng bảo hiểm y tế để tăng cường hiệu quả hệ thống bảo hiểm y tế.

Hiện nay, 100 người dân thì có 63 người tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có 33 người là trong diện được Nhà nước mua và cấp bảo hiểm y tế. Nên tới đây cần thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, bởi vì nhiều người đóng hơn và mức đóng phí cao hơn thì sẽ thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế tốt hơn.

Người dân cần chia sẻ với những chủ trương của Nhà nước về việc điều chỉnh giá viện phí và các chính sách về bảo hiểm y tế để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Cũng trong diễn đàn này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã giải thích về quy trình bổ nhiệm cán bộ, đồng thời cho biết sắp tới sẽ có những điều chỉnh trong quy trình bổ nhiệm cán bộ để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra như vụ Dương Chí Dũng ở Vinalines.

Nhìn nhận 1 năm hoạt động của nhiệm kỳ Chính phủ hiện nay, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng Chính phủ đã cố gắng hơn, việc điều hành có tầm nhìn “dài hơi” hơn, có sự linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên định hơn.

Bộ trưởng cũng kêu gọi các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt vài trò là cầu nối giữa Chính phủ với nhân dân, trong đó có việc xây dựng chính sách, để hoạt động của Chính phủ ngày càng hiệu quả hơn…

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội