Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải đáp nhiều vấn đề “nóng”

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải đáp nhiều vấn đề “nóng”

Quang Lộc

08:30 SA @ Thứ Tư - 02 tháng 4, 2014

Trong khoảng thời gian 3 giờ đồng hồ tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng nay (1/4/2014), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã làm rõ nhiều vấn đề “nóng” của nền kinh tế đã và đang được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn.

CôngThương - Chủ động theo dõi và kịp thời xử lý các vấn đề thị trường

Những vấn đề của thị trường trong nước đã khiến cho buổi chất vấn và trả lời chất vấn “nóng” lên ngay từ đầu với nhiều mối quan tâm của các đoàn đại biểu Quốc hội. Các đại biểu (ĐB) Mã Điền Cư- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) bày tỏ mối quan ngại về tình trạng thương lái nước ngoài thu mua ồ ạt nông sản, gây tác động xấu và làm rối loạn thị trường.

Thay vì đọc báo cáo được chuẩn bị sẵn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp làm rõ những quan ngại này. Theo Bộ trưởng, ngay khi xuất hiện thông tin về việc thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu, nông sản, hải sản trên địa bàn cả nước gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, với tinh thần khẩn trương, tích cực, Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra và kịp thời chỉ đạo theo dõi chặt chẽ hoạt động của thương lái nước ngoài thu mua nông sản trên địa bàn. Nhìn chung thời gian gần đây hoạt động này đã đi dần vào ổn định, không xuất hiện những hiện tượng phức tạp gây nhiễu loạn thị trường. Nhất là trong 3 tháng đầu năm 2014, trước một số thông tin về hiện tượng thu mua nông sản của thương lái nước ngoài, tại một số địa phương, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương đã trực tiếp liên hệ với các địa phương nơi xảy ra các hiện tượng nói trên để nắm bắt và xử lý kịp thời. Nhờ đó đã ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm bình đẳng hợp pháp trong sản xuất kinh doanh và bảo đảm lợi ích người nuôi trồng.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, bên cạnh việc xử lý các vấn đề phát sinh như trên, Bộ Công Thương chủ trương thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề một cách căn cơ hơn. Trong đó đặc biệt chú ý việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như các quy định liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài, tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát. Xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, lưu trú hoạt động thương mại.

“Bộ Công Thương sẽ sớm hoàn thành các đề án liên quan đến việc gắn kết sản xuất với tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản xuất nông sản như đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản nhằm mục đích phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hiệu quả bền vững” và đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một diễn biến của thị trường trong những ngày gần đây được dư luận quan tâm theo dõi là tình trạng ùn ứ dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, năm nay dưa hấu được mùa, lượng dưa xuất khẩu đổ về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến. Cửa khẩu Tân Thanh chỉ mang tính chất lối mở và khả năng thông quan còn hạn chế.

Các đại biểu chất vấn tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Để góp phần giải quyết tình hình, Bộ Công Thương đã chỉ đạo bộ phận phòng quản lý hàng xuất khẩu form E (hàng không ưu đãi) tại cửa khẩu Tân Thanh tăng tốc độ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tính riêng từ ngày 11/3 đến ngày 26/3 đã cấp được 11.000 giấy chứng nhận. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phối hợp cùng phía Trung Quốc có giải pháp giải quyết rốt ráo như kéo dài thêm thời gian thông quan, mở rộng diện tích kho bãi tiếp nhận. Tỉnh Lạng Sơn đã có đề nghị với các tỉnh có biện phápgiãn việc điều xe chở dưa lên cửa khẩu.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, bài học về dưa hấu từ nhiều năm cho thấy các địa phương cần đặc biệt coi trọng việc quy hoạch các vùng trồng để chủ động điều tiết được sản lượng nông sản. Mặt khác cần đặc biệt quan tâm công tác thương thảo để có được hợp đồng chứ không thể đê nông sản lên biên giới mới đi tìm người mua.

“Việc đa dạng thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản Việt Nam luôn được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Lý do là theo Bộ trưởng, trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 là 133 tỷ USD thì nông sản đã chiếm đến 25 tỷ USD.

Một diễn biến khác của thị trường liên quan đến phản ánh của ĐB Lê Thị Nga (Thanh Hóa) là việc 5.000 tấn mì chính của Trung Quốc tuồn vào Việt Nam và bán dưới giá thành. Bộ trưởng cho biết đã giao cho Cục Quản lý cạnh tranh xem xét vụ việc để có hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

Sẽ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu

Liên quan đến ý kiến của ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) về việc chậm hoàn thành Nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Việc sửa Nghị định này chậm vì ban đầu, Chính phủ chỉ định sửa một vài điểm không còn phù hợp liên quan đến việc hình thành quỹ bình ổn giá xăng, công khai minh bạch giá xăng dầu… Tuy nhiên, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung, các địa phương, DN, bộ ngành cùng góp ý cho rằng những vấn đề dự kiến đưa ra không đáp ứng yêu cầu đề ra vì chỉ chỉnh sửa một vài điều. Do đó, sau khi trình Chính phủ cho ý kiến lần đầu vào tháng 6/2013, dự thảo này phải dừng để xây dựng lại nhằm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 84. Đến tháng 11 vừa qua, Bộ Công thương đã trình lại Chính phủ. Đến nay, 26 thành viên Chính phủ đã có ý kiến lần cuối đối với dự thảo này, cơ bản các ý kiến đồng ý, chỉ còn 2 ý kiến còn phân vân phân vân về việc tổ chức quỹ bình ổn và thời gian điều chỉnh giá.

“Nhận thức rằng đây là vấn đề hết sức bức xúc, cần sớm ban hành Nghị định thay thế, chúng tôi đã rất nỗ lực nhưng việc ban hành, phê duyệt còn phụ thuộc nhiều khâu, trong đó có việc giải trình những ý kiến khác. Tôi tin rằng, sau khi giải trình xong 2 ý kiến còn vướng lần này, Nghị định sẽ sớm được ban hành. Bộ Công Thương cũng đã đồng thời chuẩn bị Thông tư hướng dẫn thực hiện”- Bộ trưởng cho biết thêm.

Ngành điện: nhiều vấn đề được quan tâm

Sau thị trường, nhiều vấn đề liên quan đến ngành điện đã thu hút được các chất vấn của ĐB Quốc hội. Đại biểu Thạch Dư của Trà Vinh phản ánh, 80% diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh phải dùng máy nổ. Còn ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho biết, khả năng cung ứng điện mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu người dân trồng thanh long trái vụ.

Trả lời chất vấn ý kiến các ĐB Quốc hội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, ngành điện luôn được chỉ đạo phải đi trước một bước. Cái thiếu ở đây chính là thiếu hạ tầng về điện, đặc biệt là trạm biến thế, đường dây tải điện. Việc diện tích nuôi trồng thủy sản và diện tích trồng thanh long tăng quá nhanh đã khiến hạ tầng về điện không thể theo kịp. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng về điện đòi hỏi các chi phí rất lớn, trong khi đó, Nhà nước không cấp đủ kinh phí mà ngành Điện phải tự "xoay sở", mặc dù hiện nay 2 Tổng công ty Điện lực miền Trung và miền Nam đã hết sức cố gắng vay vốn cả trong nước và nước ngoài nhưng cũng không theo kịp việc tăng diện tích nuôi trồng thủy sản.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, các tỉnh Tây Nam Bộ đã có giải pháp tháo gỡ rất hay là ứng trước chi phí xây dựng trạm biến áp, đường dây để ngành Điện trả dần. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mong tỉnh Bình Thuận ủng hộ ngành Điện bằng giải pháp trên để đáp ứng nhu cầu trồng thanh long của nông dân.

Bộ trưởng thông tin, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án đưa điện về các vùng chưa có điện lưới quốc gia với mục tiêu đến năm 2020 sẽ “phủ” điện. Số tiền để thực hiện đề án là 30.000 tỷ đồng. Nhưng theo Bộ trưởng đến nay, ngân sách Nhà nước chưa chi một đồng nào cho chương trình này. Bên cạnh nỗ lực của ngành điện trong việc thu xếp kinh phí, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mong muốn Quốc hội ưu tiên phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách để thực hiện đề án.

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) về lộ trình thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện không có lý do gì để không thực hiện lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngay trong tháng 4/2014 sẽ ban hành quy định về công khai và minh bạch giá điện để dư luận vừa giám sát, vừa ủng hộ ngành Điện.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đã bày tỏ mối quan tâm của cử tri về việc liệu có hay không việc “ngành điện đưa cả kinh phí xây biệt thự, sân golf, sân tennis vào giá điện", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: qua thanh tra ở 6 dự án nhiệt điện Ô Môn, Nghi Sơn 1, Phú Mỹ 1, Quảng Ninh 1, Hải Phòng 1 và Phú Mỹ 4, chỉ có Nhiệt điện Ô Môn có bể bơi, Nhiệt điện Nghi Sơn 1 có sân quần vợt, một số công trình có biệt thự nhưng chỉ phục vụ chuyên gia nước ngoài khi họ đến để hướng dẫn xây dựng và chuyển giao công nghệ. Khi chuyên gia rút sẽ được đưa vào sử dụng cho cán bộ, công nhân viên. “Số công trình này cũng làm rất hạn chế. Thêm vào đó, những nhà máy nhiệt điện trên đều nằm xa trung tâm tỉnh lỵ nên xây dựng như vậy mới thu hút được người lao động đến làm việc”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Về việc hạch toán giá thành các công trình trên vào giá điện, Bộ trưởng cho biết, trong 6 công trình nhiệt điện trên mới chỉ có Nhiệt điện Phú Mỹ 1 là hạch toán vào giá điện, nhưng cũng rất ít, mỗi năm chỉ hạch toán khoảng 1,3-3,7 tỉ đồng trên tổng doanh thu 6.000 tỉ đồng. Theo Bộ trưởng, trừ Nhiệt điện Phú Mỹ 1, không có chuyện đưa giá thành nhà ở vào giá điện.

UV Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phần kết luận phần trả lời chất vấn đã biểu dương các nỗ lực của Bộ Công Thương. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ Công Thương đã có nhiều chủ động trong việc thường xuyên theo dõi các diễn biến của thị trường để kịp thời phát hiện và và có hướng xử lý, bảo đảm lợi ích của nông dân. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thời gian tới Bộ Công Thương cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chủ động có các giải pháp gắn tiêu thụ với sản xuất.

Cùng chuyên mục

PIACOM: Sản xuất kinh doanh thắng lợi, tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững

Petrolimex trên báo chí |  16/01/2025

Petrolimex tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai, tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW

Petrolimex trên báo chí |  06/01/2025

TCT Hoá dầu Petrolimex: Đẩy mạnh tái cấu trúc và tinh gọn bộ máy trong năm 2025

Petrolimex trên báo chí |  06/01/2025

Bàn giao 100 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại huyện Khánh Vĩnh

Petrolimex trên báo chí |  27/09/2024

Petrolimex khẩn trương khắc phục thiệt hại, bảo đảm phục vụ người dân sau bão Yagi

Petrolimex trên báo chí |  09/09/2024

Khen thưởng đột xuất 4 nhân viên kịp thời chữa cháy

Petrolimex trên báo chí |  02/08/2024

Petrolimex: Nửa thế kỷ phát triển và hội nhập

Petrolimex trên báo chí |  12/01/2006

Đồng loạt giảm giá bán lẻ các mặt hàng dầu

Petrolimex trên báo chí |  01/04/2014

Như dòng sông Lam cuộn chảy: Dâng phù sa cho đời

Petrolimex trên báo chí |  28/03/2014

Petrolimex đồng loạt hành động trong Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16

Petrolimex trên báo chí |  25/03/2014

Xí nghiệp xăng dầu K131 diễn tập PCCC cửa hàng xăng dầu

Petrolimex trên báo chí |  19/03/2014

Petrolimex: 2 doanh nghiệp được trao giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2013

Petrolimex trên báo chí |  16/03/2014

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội