Thấy gì qua câu chuyện NSCL ở Petrolimex

Thu HườngBáo Công Thương điện tử
10:25' SA - Thứ sáu, 23/11/2018

Chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/12/2011, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã áp dụng phương thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến (ERP,*Egas), từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu đa năng và hiện đại, khơi gợi được phong trào thi đua LĐ-SX gắn với thực hành TKCLP, nhờ đó, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh ngày càng tăng.

Năng suất lao động tại các cửa hàng xăng dầu ngày một nâng cao

Đổi mới cả hình thức và nội dung

Hơn 60 năm phát triển, Petrolimex đã luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chủ lực của nhà nước trong việc bình ổn thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu về xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định 828/QĐ-TTg ngày 31/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Petrolimex đã và đang tái cấu trúc lại doanh nghiệp, bên cạnh đó, đang tích cực phối hợp với cổ đông chiến lược JX NOE (Nhật Bản) nghiên cứu chiến lược vĩ mô cũng như các giải pháp ngắn hạn trong triển khai kế hoạch 5 năm 2016-2020. Đặc biệt, tập đoàn đã mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước để tăng sản lượng, tăng doanh số với tốc độ cao trên cơ sở tiết giảm chi phí, từ đó tăng lợi nhuận. Cụ thể, thông qua công tác chỉ đạo đẩy mạnh kinh doanh hàng hóa, dịch vụ do các tổng công ty/công ty chuyên ngành Petrolimex sản xuất, cung cấp, nơi thì đoàn thanh niên mở ngày hội bán hàng, nơi thì đơn vị đưa hàng về thôn bản hay đặt hàng và giao hàng bằng điện thoại. Thậm chí, ngày 22/12 các cựu chiến binh cũng kỷ niệm Ngày Quốc phòng toàn dân bằng cách đi bán dầu nhờn… Đó chính là thể hiện sự sáng tạo và đổi mới trong khâu triển khai thực hiện ở Petrolimex. Hoạt động này đã góp phần hiện thực hóa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó, tập đoàn và các đơn vị thành viên đã phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực, có nội dung mang tính ngành nghề sâu sắc được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu thi đua gắn chặt với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong từng thời kỳ nhằm động viên toàn thể CBCNV-LĐ phát huy nội lực, đề xuất, hiến kế các giải pháp để tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, bảo đảm an toàn mọi mặt, nâng cao hiệu quả kinh doanh, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tập đoàn cũng đã tăng cường ứng dụng nhận diện thương hiệu mới theo mục tiêu nhất thể hóa triệt để, tạo lập sự khác biệt đồng thời với việc bảo vệ, bảo hộ nhãn hiệu Petrolimex trước mọi hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Petrolimex đã được pháp luật bảo hộ; qua đó nâng cao được sản lượng hàng trực tiếp bán ra, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và thu nhập của người lao động. Bên cạnh việc phát triển các cửa hàng trực tiếp của mình, Petrolimex tiếp tục phát triển hệ thống đại lý và nhượng quyền thương mại, nghiên cứu mở rộng phạm vi chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu Petrolimex theo các quy định của pháp luật góp phần minh bạch xăng dầu ngay từ khâu nhận diện theo Nghị định 83/CP và tạo lập sự khác biệt để khách hàng, công chúng dễ nhận biết khi chọn mua xăng dầu và các hàng hóa, dịch vụ khác của Petrolimex.

Năng suất lao động khối bán lẻ xăng dầu tăng 22%

Tại các điểm/cửa hàng kinh doanh xăng dầu, Petrolimex xác định năng suất lao động là yếu tố tiên quyết trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh khi thị trường xăng dầu ngày càng hình thành và cạnh tranh gay gắt. Đây cũng chính là yếu tố chủ yếu để nâng cao tiền lương, thu nhập của người lao động.

Tập đoàn đã tổ chức lại sản xuất và tổ chức lao động tại các cửa hàng xăng dầu cụ thể sao cho hợp lý, thực hiện trả lương, thưởng gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

Thông qua tổ chức khu vực bán hàng, luồng đường vào, ra để tạo thuận lợi cho các phương tiện vào, ra mua xăng dầu. Petrolimex thực hiện rà soát và bố trí ca bán hàng hợp lý tại các cửa hàng phù hợp với vị trí từng cửa hàng, nhu cầu khách hàng, tình hình an ninh, trạt tự tại địa bàn, bố trí và sử dụng hợp lý, có hiệu quả và linh hoạt nguồn lực lao động; tổ chức đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng đối với đội ngũ cửa hàng trưởng và nghiệp vụ bán hàng, văn minh thương mại cho đội ngũ công nhân bán hàng cũng như thực hiện cơ chế trả lương khoán, lương sản phẩm gắn liền với sản lượng và năng suất lao động của từng người, từng cửa hàng.

Ngày hội bán hàng của Petrolimex Hà Bắc

Với các giải pháp trên, từ năm 2012-2015 năng suất lao động tại các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo đó, nếu năm 2011 bình quân mỗi lao động đạt 27,1m3 xăng dầu/tháng thì đến năm 2015 con số này đã đạt 33,2m3 xăng dầu/tháng, tăng 22,3% so với năm 2011.

Nâng cao độ chính xác và an toàn xăng dầu

Tập đoàn cũng thống nhất, đoàn kết thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; cải tạo nâng cấp hơn 350 cửa hàng và thay thế hơn 1.640 cột bơm xăng dầu cũ bằng cột bơm điện tử Tatsuno hiện đại có độ chính xác cao hơn.

Đồng thời áp dụng hệ thống nhận diện thương hiệu mới với 9 dấu hiệu cơ bản, nhất thể hóa triệt để trên toàn hệ thống cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tại Việt Nam và ở nước ngoài tạo lập sự khác biệt giữa Petrolimex với các doanh nghiệp khác.

Bên cạnh việc chú trọng thường xuyên đến công tác phòng chống cháy nổ, Petrolimex còn ưu tiên cải thiện điều kiện làm việc và công tác bảo vệ môi trường tại cửa hàng bằng việc lắp đặt hệ thống thu hồi hơi xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu Petrolimex và bước đầu ứng dụng thành công hệ thống thu hồi hơi xăng (VRU) tại Tổng kho xăng dầu Đức Giang - Petrolimex Hà Nội được các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận, đánh giá cao; quan tâm đảm bảo chất lượng và đảm bảo số lượng xăng dầu khi bán cho khách hàng - đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu mà Petrolimex đã xây dựng và duy trì được trong suốt thời gian qua và đã được khách hàng tin tưởng, đánh giá cao.

Việc thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định 828/TTg của Thủ tướng Chính phủ cùng với sự chủ động đổi mới theo mục tiêu hội nhập của Petrolimex đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Petrolimex, góp phần minh bạch hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh xăng dầu, tiếp tục góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bình ổn thị trường xăng dầu, góp phần thực hiện ổn định các cơ cấu lớn của nền kinh tế theo các mục tiêu Đảng, Chính phủ đã đề ra.

Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Đơn vị thiết lập website: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn