Petrolimex: Lỗ lớn do giá xăng dầu giảm sâu

Nguyễn Hải (thực hiện)Báo Công Thương - Báo Công Thương điện tử
02:11' CH - Thứ hai, 02/03/2015

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2014 gửi UBCK Nhà nước của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), quý IV/2014, doanh nghiệp này lỗ tới 1.145 tỷ đồng. Số lỗ này cuốn phăng thành quả SXKD 3 quý trước đó. Nhằm làm rõ nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng giám đốc Petrolimex.

Ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng giám đốc Petrolimex.

- Thưa ông, 1.145 tỷ đồng là con số không hề nhỏ, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến số lỗ nói trên?

Có thể khẳng định: Quý IV/2014, Petrolimex phát sinh lỗ hoạt động kinh doanh xăng dầu rất lớn, con số 1.145 tỷ đồng mà một số phương tiện thông tin đại chúng đã nêu, đây là số lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp, còn trên thực tế, lỗ trước thuế của Tập đoàn là 1.084 tỷ đồng. Ngay trong những tháng của quý IV/2014, khi phát sinh lỗ lớn, Petrolimex đã phân tích, đánh giá để xác định những nguyên nhân cơ bản dẫn đến lỗ lớn, trong đó Petrolimex cho rằng:

Trước hết, giá xăng dầu thế giới biến động đặc biệt bất thường với xu hướng giảm sâu, liên tục trong một thời gian ngắn, tốc độ quá nhanh, đột ngột - đây là nguyên nhân chính. Theo số liệu thống kê của Petrolimex, trong quý IV/2014, giá xăng dầu sản phẩm đã giảm 50-60% tuỳ từng mặt hàng so với thời điểm giá cao trong 9 tháng đầu năm 2014. Thực tế này dẫn đến việc doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có khi vừa nhập khẩu xăng dầu về, chưa bán đã lỗ. Ngoài ra, công ty kinh doanh xăng dầu ở nước ngoài của Petrolimex cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đây là những doanh nghiệp làm thương mại, không có hệ thống phân phối, mua – bán xăng dầu theo lô. Mua giá cao trong điều kiện thị trường đang trên đà giảm giá thì rất khó bán, dẫn tới việc càng để lâu, càng lỗ nhiều.

Thứ hai, Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2014 quy định: Các thương nhân đầu mối tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tồn trữ lưu thông tối thiểu 30 ngày với việc điều hành giá bán trong nước theo công thức tính giá cơ sở bình quân 15 ngày sát với thời điểm điều hành giá của Liên Bộ Công Thương-Tài chính thay cho công thức tính giá cơ sở bình quân 30 ngày như trước đây. Điều này đã tạo ra độ chênh giữa yêu cầu tồn kho xăng dầu thực tế của các thương nhân đầu mối và cơ sở điều hành giá bán của liên Bộ. Sự không đồng nhất này tác động đến cả chiều tăng và chiều giảm với mức độ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khác nhau. Nếu biên độ tăng, giảm quá lớn trong một thời gian ngắn như quý IV/2014 vừa qua sẽ tác động có tính chất trọng yếu đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng với công thức tính giá cơ sở bình quân 15 ngày sát với thời điểm điều hành giá thì khi giá xăng dầu giảm vượt quá mức lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở thì doanh nghiệp tăng lỗ, giá tăng thì doanh nghiệp tăng lãi do yếu tố tồn kho. Tuy nhiên, cần phải xem xét vấn đề là giá giảm thế nào và tăng ra sao? Giá giảm sâu trong thời gian ngắn thì lỗ rất lớn nhưng nếu tăng trở lại với biên độ thấp sẽ không thể bù ngay được số lỗ đã phát sinh.

-Ông có thể cho biết, số lỗ 1.145 tỷ đồng trong quý IV ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của năm 2014 của Tập đoàn như thế nào? Petrolimex sẽ gặp khó khăn gì trong năm 2015, đặc biệt khi giá xăng dầu vẫn chưa có dấu hiệu đi lên?

Quý IV/2014 phát sinh lỗ lớn đã làm thay đổi hoàn toàn kết quả kinh doanh cả năm của Petrolimex. Cụ thể: 9 tháng đầu năm 2014 lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex là 1.418 tỷ đồng nhưng chỉ tiêu này cả năm chỉ còn lại 333 tỷ đồng. Năm 2015, xu hướng biến động giá xăng dầu thế giới có nhiều dự báo rất khác nhau. Trong trường hợp nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục đà giảm như quý IV/2014, chắc chắn các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất là việc thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận, cụ thể là cổ tức mà đại hội cổ đông thông qua cũng như sự kỳ vọng của cổ đông khi tham gia góp vốn vào doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu thế giới biến động với biên độ hẹp và nhà nước vẫn tiếp tục kiên định điều hành giá bán trong nước như thời gian qua thì tình hình tài chính của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối sẽ được cải thiện theo xu hướng tích cực.

- Doanh nghiệp đã có những biện pháp ứng phó nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm chưa, thưa ông?

Trong cơ chế hiện nay, doanh nghiệp rất khó ứng phó với việc giảm giá bất thường của xăng dầu. Nguyên nhân do doanh nghiệp vẫn phải trữ hàng tồn kho cho 30 ngày. Nếu tiết giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp, hiệu quả đóng góp từ giải pháp này cũng không cao bởi từ trước đến nay, Petrolimex luôn xây dựng, thực hiện việc tiết giảm chi phí. Ngoài ra, việc khấu hao tài sản vẫn phải thực hiện theo đúng quy định; lương tối thiểu tăng, đóng góp bảo hiểm y tế, xã hội cùng tăng…

- Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, công thức tính theo bình quân của 15 ngày cuối của chu kỳ tồn kho 30 ngày dẫn tới chênh lệch lớn giữa giá cơ sở và giá bán. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lỗ khi giá giảm sâu? Petrolimex có kiến nghị gì với Bộ Công Thương, Chính phủ về cơ chế, chính sách điều hành hiện nay?

Tôi cho rằng công thức tính giá cơ sở theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP là phù hợp khi giá xăng dầu thế giới biến động với biên độ hợp lý khi có cả tăng và cả giảm. Dù vậy, để đảm bảo phù hợp với các trường hợp đột biến có thể phát sinh trong thực tiễn thì Liên Bộ Công Thương-Tài chính có thể nên nghiên cứu để trình với Chính phủ bổ sung thêm vào Nghị định 83/2014/NĐ-CP các qui định can thiệp về tài chính trong trường hợp giá xăng dầu thế giới giảm sâu bất thường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Đơn vị thiết lập website: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn