Công ty cổ phần vận tải xăng dầu VIPCO: Biến thách thức thành cơ hội

Mạnh CườngBáo Công Thương Điện tử
09:54' SA - Thứ ba, 23/06/2009

Cập nhật: 15:05:00 15/6/2009

Tàu Petrolimex 06 của VIPCO

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, kinh tế trong nước gặp khó khăn nhưng Công ty cổ phần vận tải xăng dầu (VIPCO) vẫn làm ăn hiệu quả với mức lợi nhuận 75 tỷ đồng, đồng thời vẫn đẩy mạnh đầu tư.

CôngThương - Lợi nhuận vẫn tăng

Năm 2008, trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao thì VIPCO vẫn đạt mức lợi nhuận 75 tỷ đồng, trong đó có 10 tỷ đồng từ kinh doanh bất động sản.

Quý 1 năm 2009- thời điểm suy thoái kinh tế chưa bộc lộ rõ rệt, nhưng mức lợi nhuận vẫn đạt 27 tỷ đồng, tương đương với quý 1 năm 2008. Tháng 4 vừa qua, VIPCO còn đầu tư vào mua thêm 2 tàu chở dầu có tổng trọng tải 65.000 DWT với số vốn lên đến 51 triệu USD. Trong khi cao ốc 43 Quang Trung đang đi vào giai đoạn hoàn thiện.

Cao ốc 37 Phan Bội Châu và Cảng hóa dầu và container VIPCO vẫn đang được triển khai một cách tích cực. Kết quả sản xuất kinh doanh cũng như tiến độ thực hiện các dự án trên đây khiến người viết không khỏi băn khoăn: chẳng lẽ cơn bão khủng không ảnh hưởng đến công ty?

Trả lời thắc mắc đó, ông Nguyễn Đạo Thịnh- Chủ tịch HĐQT công ty- cho biết: “Đương nhiên VIPCO không phải là ngoại lệ, trong tình hình kinh tế suy giảm công ty cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức ảnh hưởng không lớn”.

Sở dĩ VIPCO ít bị ảnh hưởng bởi theo ông Thịnh, lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là vận tải xăng dầu- lĩnh vực có cơ cấu thị phần khá ổn định và vững chắc, 50% phục vụ cho kinh doanh chính của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). 50% năng lực còn lại là do VIPCO tự khai thác thì trong đó có tới 20% hợp đồng VIPCO ký hợp đồng chuyên chở dài hạn với giá cước tốt, chỉ còn 30% chịu tác động bởi những khó khăn chung của thị trường vận tải. Tuy nhiên là một doanh nghiệp vận tải có uy tín, được các hãng dầu quốc tế và đối tác nước ngoài đánh giá cao nên VIPCO không gặp nhiều khó khăn lắm trong khác thác chuyên chở hàng hóa.

Đẩy mạnh đầu tư

“Khủng hoảng vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với các doanh nghiệp. Với VIPCO, đây là cơ hội thuận lợi để đầu tư mua thêm tàu, vì thời điểm này giá tàu đã giảm mạnh- Ông Thịnh cho biết- Giá tàu thế giới đã giảm đến 30% so với thời điểm trước khủng hoảng, vì thế việc đầu tư mua thêm 2 tàu hồi tháng 4 giúp công ty tiết kiệm được 23 triệu USD. Mặt khác lãi suất ngân hàng thời điểm đó cũng thấp hơn nhiều so với năm 2008, đó là cái lợi thứ hai. Tương tự như vậy, VIPCO cũng tranh thủ giá vật tư, sắt, thép, xi măng…sụt giảm mạnh trong thời gian qua do suy giảm kinh tế để đẩy mạnh đầu tư, thi công đồng loạt các dự án xây dựng 2 cao ốc và Cảng hóa dầu- Container VIPCO”.

Tuy nhiên vấn đề được nhiều cổ đông và nhà đầu tư tò mò là làm thế nào để VIPCO huy động được nguồn vốn lớn như vậy (xấp xỉ 3.000 tỷ đồng) để triển khai các dự án? Ông Thịnh cho biết: “Đến nay vốn chủ sở hữu của công ty đã tăng 30% so với năm 2007, đạt 800 tỷ đồng (vốn điều lệ 600 tỷ đồng). Vì vậy, công ty đã sử dụng nguồn vốn tăng thêm này để đối ứng 30% khi mua tàu, 70% còn lại vay ngân hàng. Đối với các dự án còn lại, VIPCO cũng chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để triển khai”.

Dự kiến đến tháng 10, cao ốc VIPCOM 17 tầng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác, còn cao ốc 37 Phan Bội Châu 25 tầng đang thi công tầng hầm và sẽ hoàn thành hạng mục quan trọng và phức tạp nhất này trong năm 2009. Dự án Cảng hóa dầu- container đang triển khai gói thầu thứ 2: xây dựng bến xuất đường thủy và làm kè, dự kiến đến năm 2011 sẽ đưa vào khai thác. Dự án khu nhà ở Anh Dũng hứa hẹn sẽ đem lại nguồn lợi lớn khi thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên.

Hàng loạt các dự án đang dần hiện diện, được nhiều nhà đầu tư, khách hàng quan tâm chính là những lợi thế kinh doanh của VIPCO trong hiện tại và những năm tới đây.

Làm ăn tốt nhưng giá cổ phiếu thấp, vì sao?

Một băn khoăn khác mà người viết không thể không nêu ra với ông Chủ tịch HĐQT là với kết quả sản xuất kinh doanh được cho là thuận lợi như vậy nhưng tại sao giá cổ phiếu của VIPCO lại liên tục giảm, thậm chí còn có những tin đồn cho rằng VIPCO đang gặp khó khăn?

Theo ông Thịnh giải thích, khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, Công ty DC- một nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 15% vốn điều lệ của VIPCO- đã bán tháo toàn bộ số cổ phần do DC nắm giữ, trong khi người đại diện của DC lại là thành viên HĐQT. Sự kiện này gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư khác và khiến giá cổ phiếu của VIPCO giảm mạnh. Nguyên nhân thứ hai là, có nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng VIPCO là đơn vị vận tải biển nên khi thị trường vận tải biển gặp khó khăn, họ lo rằng VIPCO cũng rơi vào tình trạng đó. Ông Thịnh cũng thừa nhận: “Cũng phải nói thêm là công ty chưa kịp thời cung cấp thông tin một cách đầy đủ và chính xác đến các nhà đầu tư chính vì thế họ chưa hiểu rõ về tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty”.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình đầu tư của VIPCO trong tương quan với các doanh nghiệp vận tải biển khác, có thế thấy đây là một điểm sáng ít ỏi trong bức tranh kinh tế mà màu xám là chủ đạo trong hơn một năm qua. Điều này cũng khẳng định thêm sự đúng đắn của quy luật kinh tế: khủng hoảng là thách thức của doanh nghiệp này nhưng lại là cơ hội của doanh nghiệp khác, vấn đề là biết lựa chọn thời điểm đúng đắn để đầu tư.

Mạnh Cường

Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Đơn vị thiết lập website: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn